Ai cũng cho rằng ý kiến của mình là có lý, là đại diện cho chuẩn mực đạo đức xã hội, ban phát cho người đẹp tuổi mới đôi mươi.

Những ngày gần đây, những câu chuyện xung quanh tân hoa hậu Thế giới Việt Nam, Ý Nhi, tràn ngập các trang mạng xã hội như một tâm điểm của những tranh luận trái chiều. Chuyện là ngay từ khi đăng quang cuộc thi Miss World Vietnam 2023, cô gái này đã có những phát ngôn từ gây tranh cãi khiến một bộ phận người dùng mạng chuyển từ chúc mừng, ngưỡng mộ sang bức xúc, thậm chí phẫn nộ, đòi tước luôn vương miện của cô.

Cũng từ đây, từng phát ngôn, hình ảnh hay chính xác hơn là mọi nhất cử nhất động của Ý Nhi đều được cộng đồng mạng săm soi, đào bới, mổ xẻ. Có lẽ chưa bao giờ một cô hoa hậu mới đăng quang lại nhận được sự chú ý của nhiều người theo hướng tiêu cực như vậy. Từ những người có địa vị xã hội, người nổi tiếng cho tới vô số "anh hùng bàn phím" vô danh cùng thi nhau bình phẩm, đánh giá. Trong số đó, không ít là những phát ngôn mang tính công kích nhắm vào cô gái nhỏ bé kia.

Ai cũng cho rằng ý kiến của mình là có lý, là đại diện cho chuẩn mực đạo đức của xã hội. Đôi khi, người ta còn coi mình là bề trên, ban phát các giá trị cho những người đẹp tuổi mới đôi mươi. Chắc chắn, những chuyện lùm xùm sẽ còn diễn ra xoay quanh Ý Nhi. Bởi vì, mạng xã hội dễ gì buông tha một cơ hội béo bở để "đu trend", bắt xu hướng như thế.

Thế nhưng, khi bình tâm lại, cá nhân tôi có một vài suy nghĩ. Từ xưa đến nay, hiếm có cô gái nào đăng quang hoa hậu mà không vướng phải lùm xùm, từ chuyện tình yêu, thành phần xuất thân, trình độ học vấn, nợ nần... Vậy nên, trường hợp của Ý Nhi cũng không có gì đáng gọi là chuyện lạ Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có cả chục cô gái đăng quang hoa hậu, mà nhiều khi công chúng còn không kịp nhớ mặt, nhớ tên. Hà cớ chi chúng ta cứ phải săm soi rồi tấn công dữ dội một cá nhân như vậy?

Để quyết định cô gái nào đăng quang trong một cuộc thi, Ban tổ chức hẳn đều có lý do của họ. Quyết định ấy dựa trên những tiêu chí của từng cuộc thi và được đề ra trong thời gian diễn ra cuộc thi. Vậy nên, chúng ta - những khán giả, cũng nên tôn trọng quyết định của Ban tổ chức, dù nó có thể không hợp ý số đông.

Nên nhớ, từ khi đăng quang, Ý Nhi đi đâu, làm gì, trả lời phỏng vấn báo chí thế nào... cũng đều có sự sắp xếp của Ban tổ chức, vậy nên, việc nhiều người cố "vạch lá tìm sâu", bắt lỗi nàng hậu có vẻ là chuyện thừa thãi. Chuyện Ý Nhi hớ hênh về vấn đề câu chuyện tình yêu, gia đình, tri thức... có trách nhiệm của cả êkip và các bên liên quan chứ không phải lỗi của một mình cá nhân nào cả.

Lên ngôi Hoa hậu khi tuổi đời còn rất trẻ, khi tri thức còn ít ỏi, kinh nghiệm non nớt, khả năng ứng xử chưa khéo léo, tinh tế và chưa đủ tỉnh táo trước những câu hỏi lắt léo, Ý Nhi đáng được cảm thông hơn là công kích. Vài ba câu vạ miệng cũng không đến nỗi khiến người ta phải đòi tước vương miện của cô gái. Vài ba năm nữa, khi có thời gian trau dồi tri thức, rèn luyện bản thân, có kinh nghiệm trước truyền thông, thậm chí đi thi quốc tế... tôi tin hoa hậu nào cũng sẽ hoàn thiện hơn.

Đăng quang Hoa hậu là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của những người thắng cuộc. Việc họ xài hàng hiệu, chọn đối tượng phù hợp khi yêu, kết hôn... cũng là điều chính đáng. Sau tất cả, có lẽ công chúng nên tôn trọng, góp ý theo hướng xây dựng, để họ có thêm sự tự tin khi đại diện cho quốc gia "mang chuông đi đánh xứ người".

Qua trường hợp của hoa hậu Ý Nhi, tôi hy vọng người Việt sẽ tỉnh táo hơn trước những làn sóng "anti", tẩy chay tiêu cực trên không gian mạng. Nếu đủ bình tĩnh, suy xét câu chuyện với lòng bao dung, tôi tin những người trong cuộc sẽ biết cách tự điều chỉnh để phù hợp hơn với chuẩn mực xã hội. Mọi hành vi a dua, tấn công theo kiểu hội đồng, dù là trên mạng xã hội, đều là biểu hiện của sự kém văn minh.