Cách đây chừng 2 tuần, làng quê ven biển Cổ Đạm (Nghi Xuân) rúng động trước việc anh Trương Trọng T. (SN 2002, thôn Hải Đông) bị Nguyễn Văn Phong (SN 2005, thôn Lâm Phú Thịnh, xã Xuân Liên (Nghi Xuân) đâm tử vong tại quán internet.
Theo lời khai của Phong tại cơ quan điều tra, vụ việc bắt nguồn từ trước đó, do có mâu thuẫn, Phong gây thương tích cho một người bạn của anh T. Sau khi sự việc xảy ra, Phong đã đồng ý bồi thường cho nạn nhân 1 triệu đồng để lo chi phí thuốc men. Tuy nhiên, cam kết này chưa được thực hiện.
Lúc 9h30 ngày 4/3, biết Phong đang chơi game tại quán internet ở thôn Phú Thuận Hợp (xã Cổ Đạm), anh T. cùng bạn tìm tới để yêu cầu trả số tiền 1 triệu đồng. Tại đây, 2 bên lời qua tiếng lại, anh T. đã dùng mũ bảo hiểm đánh Phong. Bị đánh, Phong rút con dao gọt hoa quả thủ sẵn trong người đánh trả, rồi đâm anh T. tử vong. Sau khi gây án, Phong tới Công an xã Cổ Đạm đầu thú.
Nguyễn Văn Phong đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố, bắt tạm giam về tội “giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Phong chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật bởi hành vi tước đoạt mạng sống của người khác nhưng điều khiến người dân day dứt hơn cả là bị can còn khá trẻ, chỉ mới 17 tuổi.
Đại úy Lê Viết Sơn – Phó Trưởng Công an xã Xuân Liên cho hay: Do mối quan hệ với mọi người trong gia đình không được tốt nên Phong rất ít khi ở nhà mà thường xuyên tới nhà bạn ngủ nhờ, nay nhà này, mai nhà khác. Thích chơi game và để có tiền thỏa mãn nhu cầu, Phong đã từng gây ra vụ trộm cắp tài sản và nằm trong diện quản lý của cơ quan công an. Ở độ tuổi 17, lẽ ra đang ngồi trên ghế nhà trường như các bạn cùng trang lứa thì Phong lại chọn cách bỏ học giữa chừng và giao du với những đối tượng xấu.
“Nghỉ học giữa chừng lại thiếu sự quản lý từ gia đình, Phong dễ sa ngã vào con đường phạm pháp. Công an xã cũng từng gặp gỡ nói chuyện, nhắc nhở nhưng rồi Phong vẫn đi theo con đường không ai mong muốn và sẽ phải trả giá cho sự bồng bột ấy” - Đại úy Lê Viết Sơn chia sẻ.
Ngoài trường hợp Nguyễn Văn Phong, trên địa bàn xã Xuân Liên còn có một số trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và từng bị công an xử lý.
Theo Đại úy Lê Viết Sơn, năm 2021, Công an xã đã từng xử lý hành chính 3 thanh thiếu niên có hành vi trộm cắp tài sản. Trên địa bàn cũng có thêm 2 trường hợp nằm trong diện theo dõi của đơn vị. Đây là những đối tượng nếu không được giáo dục, răn đe kịp thời thì rất dễ phát sinh hành vi phạm tội.
Không chỉ riêng xã Xuân Liên mà tại một số địa phương khác của huyện Nghi Xuân, nhất là các xã miền biển như: Cương Gián, Cổ Đạm, Xuân Thành..., còn một bộ phận thanh thiếu niên thiếu sự quản lý, giáo dục từ gia đình, dễ bị đối tượng xấu rủ rê, dẫn tới sa ngã.
Theo Thiếu tá Trần Thanh Thái - Đội trưởng Đội Hình sự Công an huyện Nghi Xuân, trong thời gian qua, số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan tới lứa tuổi thanh thiếu niên ở Nghi Xuân đang có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, vào năm 2021, đơn vị đã xử lý 21 vụ việc với 34 đối tượng dưới 18 tuổi, trong khi con số này ở năm 2020 là 12 vụ việc với 13 đối tượng. Các vụ việc chủ yếu liên quan tới trộm cắp tài sản và vi phạm về pháo nổ.
Nguyên nhân dẫn tới việc “trẻ hóa tội phạm” xuất phát từ việc lớp trẻ ngày nay dễ bị “đầu độc” bởi những nội dung xấu, bạo lực trên các trang mạng, trong khi tâm sinh lý ở độ tuổi này lại thiếu ổn định, xốc nổi, muốn thể hiện mình, dẫn tới có những cử chỉ, hành vi không chuẩn mực, là nguồn cơn của những hành vi sai trái.
Một thực tế không thể phủ nhận là không ít thanh thiếu niên vi phạm pháp luật thường rơi vào hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc; gia đình thường xảy ra bạo lực, thiếu quan tâm, để con trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội rồi bị lôi kéo vào con đường phạm pháp... Và khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra sự quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Việc trẻ em vi phạm pháp luật liên quan chặt chẽ đến nhiều vấn đề khác nhau. Vì thế, giải pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa tội phạm trẻ hóa chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường về việc quản lý con em. Cha mẹ phải quan tâm toàn diện đến mọi mặt của con để sớm phát hiện những hành vi, thói quen xấu nhằm ngăn chặn kịp thời con có hành vi phạm pháp. Nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong học đường, phối hợp chặt chẽ hơn với gia đình để cùng theo dõi, quản lý học sinh.../.