Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thông tin này khi phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, chiều 10/11.
Hiện nay, Cục Cảnh sát hình sự đang phối hợp với các ngân hàng rà soát các tài khoản đã huy động từ thiện, việc tiếp nhận, quyên góp, quá trình giải ngân. Đồng thời, phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của các tỉnh như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, để xác minh làm rõ số tiền mà các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ tại các địa phương. Các cơ quan cũng đã mời một số cá nhân, tổ chức làm việc để cung cấp thông tin có liên quan, để sớm kết luận vụ việc theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc rà soát, nắm tình hình thực hiện từ thiện trên địa bàn, kịp thời phát hiện các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay, công an TPHCM đã tiếp nhận, phân loại 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ, mọi tiến trình đang được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Qua công tác rà soát, nắm tình hình, Bộ Công an đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ cho người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo hướng bổ sung các quy định công khai, minh bạch.
Vận động từ thiện được pháp luật quy định chặt chẽ và nghiêm minh
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo về hoạt động thiện nguyện, vận động, tài trợ được quy định trong văn bản mới đây.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với hoạt động thiện nguyện, Nghị định 64/2008 đã bộc lộ một số nhược điểm, như vấn đề về tính minh bạch, công khai đối với hoạt động thiện nguyện, quy định đối với việc quản lý, sử dụng và phân phối các hàng hóa hoặc tiền và vấn đề mở tài khoản, vấn đề đăng ký vận động... Những hạn chế và nhược điểm đó đã được khắc phục bởi Nghị định số 93/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; với nhiều điểm mới.
Cụ thể, Nghị định 93 đã quy định rõ các đối tượng từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đến Hội Chữ thập đỏ, đến các tổ chức, cá nhân, các đơn vị liên quan thực hiện thiện nguyện, vận động, tài trợ cũng như việc quản lý tiền hay quản lý các loại hàng hóa như vàng, ngoại tệ; việc phân bổ các vật tư, hàng hóa và tiền cho các đối tượng được thụ hưởng. Nghị định cũng quy định vấn đề ghi chép một cách đầy đủ quá trình hoạt động và được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại theo từng đợt vận động hoặc tại kho bạc.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sau mỗi đợt vận động, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đóng tài khoản và niêm yết công khai đối với hàng hóa, tiền hoặc tài sản đã nhận vận động và phân phối số hàng hóa đó một cách minh bạch. Đồng thời quy định chế độ báo cáo một cách rất cụ thể, như trước khi vận động thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân nơi tổ chức vận động và trong thời hạn 3 ngày thì Ủy ban nhân dân phải phối hợp để giải quyết vấn đề vận động đó.
Việc phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, cũng như các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương trong quá trình vận động được quy định một cách hết sức chặt chẽ. Nghị định 93 cũng quy định các hình thức vận động đóng góp tự nguyện, chẳng hạn như tự nguyện giảm giá các loại dịch vụ như giá nước, giá điện và các loại dịch vụ khác và quy định về vấn đề thanh tra và kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc cho một bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình được tổ chức thanh tra hoạt động về vận động tài trợ có đúng quy định của pháp luật hay không - đều được quy định, bảo đảm chặt chẽ và nghiêm minh./.