Olympic diễn ra trong điều kiện không bình thường nên những chi phí mà nước chủ nhà Nhật Bản phải bỏ ra cũng lớn hơn.

Giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo 2020. Bởi lẽ đó, những thiệt hại về tài chính mà nước chủ nhà Thế vận hội năm nay phải gánh chịu không hề nhỏ.

Đăng cai Olympic giữa “bão” Covid-19, Nhật Bản thiệt hại nặng nề
Olympic Tokyo 2020 trở thành gánh nặng cho kinh tế Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Kỳ Olympic tốn kém nhất lịch sử

Olympic Tokyo 2020 đang trôi về những ngày thi đấu cuối cùng. Giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, đất nước mặt trời mọc vẫn tổ chức được một kỳ Thế vận hội được coi là thành công.

Tuy nhiên, cũng bởi diễn ra trong điều kiện không bình thường, những chi phí mà nước chủ nhà phải bỏ ra cũng lớn hơn.

Ban đầu, trong hồ sơ đấu thầu đăng cai Thế vận hội 2020, Nhật Bản dự tính sẽ chi 7,3 tỷ USD cho công tác tổ chức. Việc Olympic hoãn lại một năm đưa chi phí đội lên thêm gần 3 tỷ USD nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng bởi thực tế còn lớn hơn nhiều lần.

Theo Forbes, Ủy ban Kiểm toán Quốc gia Nhật Bản báo cáo rằng, chi phí cuối cùng ở mức 22 tỷ USD. Trong khi đó, tờ báo chuyên về tài chính Nikkei khẳng định, hóa đơn tổ chức Olympic là con số khổng lồ, lên tới 28 tỷ USD.

Nếu con số trên thực sự chính xác, Olympic Tokyo sẽ trở thành kỳ Thế vận hội đắt đỏ nhất lịch sử. Trước đó, kỷ lục Thế vận hội mùa hè đắt nhất thuộc về Olympic London 2012, nơi nước chủ nhà phải chi tới 15 tỷ USD. Tokyo cũng phá luôn kỷ lục một kỳ Thế vận hội đắt nhất do Nga nắm giữ (Olympic Sochi 2014) với mức 21,9 tỷ USD.

“Chi phí cho Olympic Tokyo 2020 đã vượt quá 200% dự tính ban đầu. Tuy nhiên, điều này không quá bất ngờ bởi tính từ năm 1960, trung bình mỗi kỳ Thế vận hội đều vượt ngân sách 172%.

Cá biệt, kỳ Thế vận hội ở Montreal (Canada) năm 1976 đã vượt ngân sách tới 720%”, Giáo sư Bent Flyvbjerg của Đại học Oxford tiết lộ trong một nghiên cứu mới nhất.

Ông Flyvbjerg còn nhấn mạnh: “Thế vận hội mang đến mức độ rủi ro cao khi chi phí dành cho nó quá đắt đỏ. Gánh nặng tài chính đa phần vượt quá khả năng chi trả của thành phố tổ chức nếu không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ quốc gia đó”.

Trở lại với Olympic Tokyo, Forbes cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến chi phí đội lên gấp hơn ba lần so với dự kiến ban đầu.

“Việc đồng Yên giảm giá so với các đồng tiền mạnh hơn như USD hay Euro đã khiến chi phí nhập khẩu vật liệu, trang thiết bị để nâng cấp cơ sở vật chất tăng lên đáng kể. Dịch Covid-19 khiến lao động tại Nhật Bản trở nên khan hiếm và chi phí thuê nhân công buộc phải tăng”, Forbes dẫn chứng.

“Chỉ riêng việc cải tạo Sân vận động Quốc gia và địa điểm thi đấu đã tiêu tốn hơn 2 tỷ USD. Làng vận động viên với cơ sở vật chất hiện đại tiện nghi ngốn trên 2 tỷ USD. Nhóm chi phí ngoài thể thao như nâng cấp đường sá, khách sạn cũng chiếm thị phần đáng kể. Bên cạnh đó, việc phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch toàn diện, xét nghiệm y tế cũng bổ sung con số lớn vào chi tiêu chung của Olympic 2020”, vẫn theo Forbes.

Ai có thể ngờ cú sốc mang tên Covid-19

Năm 1964, trong lần đầu đăng cai một kỳ Olympic, Nhật Bản đã thu lại những kết quả ngoài mong đợi về mặt kinh tế. Chính nhờ đăng cai Thế vận hội, Nhật Bản đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng như tàu cao tốc Shinkansen.

Tại Tokyo, họ đã xây dựng một tuyến đường cao tốc nối sân bay quốc tế ở Haneda với trung tâm và mở rộng một số tuyến đường chính của thành phố, trong khi một đường cao tốc mới quan trọng giữa Osaka và Nagoya cũng đã được mở.

Những cải tiến về cơ sở hạ tầng này đã giúp mang lại điều kỳ diệu cho nền kinh tế Nhật Bản trong vài thập kỷ sau đó. Chính phủ Nhật Bản đã kỳ vọng Olympic Tokyo 2020 sẽ trở thành cú hích cho nền kinh tế Nhật Bản vốn đang có những dấu hiệu trì trệ. Nhưng toan tính này đã vấp phải một cú sốc mang tên Covid-19.

Bỏ ra số tiền kỷ lục để tổ chức Olympic Tokyo 2020, chủ nhà Thế vận hội năm nay đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Theo ước tính, Olympic 2020 sẽ thu về khoảng 800 triệu USD từ bán vé vào các địa điểm thi đấu. Dù vậy, việc cấm toàn bộ khán giả do lo ngại lây lan dịch Covid-19 khiến Ban Tổ chức mất hoàn toàn số tiền này.

Tiền tài trợ, khoản thu chính ở các kỳ Thế vận hội chỉ mang về khoảng hơn 3 tỷ USD. Bản quyền truyền hình cho các nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á đem về khoảng 3 tỷ.

Bên cạnh đó, tiền quảng cáo cũng thu về chừng 2 tỷ USD. Như vậy, tổng thu của Olympic Tokyo chỉ rơi vào khoảng 8 tỷ USD, chưa bằng 1/3 chi phí bỏ ra.

Trong khi đó, hãng AP cho hay, Thế vận hội Tokyo ban đầu được kỳ vọng sẽ là một điểm thu hút khách du lịch lớn, nhưng việc cấm khán giả nước ngoài đã khiến mục tiêu này đã đổ bể.

“Năm 2019, Nhật Bản đón 31,9 triệu du khách nước ngoài, những người đã chi gần 4,81 nghìn tỷ Yên (44 tỷ USD). Con số giảm 87% vào năm 2020, xuống chỉ còn 4,1 triệu người, mức thấp nhất trong 22 năm qua”, hãng AP cho hay.

Viện nghiên cứu Nomura từng dự đoán Olympic có thể sẽ mang tới một cú hích trị giá 1,8 nghìn tỷ Yên (16,4 tỷ USD) từ du lịch, tương đương 0,33% GDP Nhật Bản.

Đáng tiếc, dịch Covid-19 khiến Nhật Bản phải đóng cửa tổ chức Thế vận hội. Tuy nhiên, rất may là tới thời điểm này, Thế vận hội vẫn an toàn, không trở thành một sự kiện siêu lây lan. Nếu điều này xảy ra, chi phí chắc chắn còn đội lên.

Chuyên gia kinh tế Takahide Kiuchi thì đưa ra dự đoán, Nhật Bản sẽ không dễ dàng để bù đắp lại khoản lỗ khổng lồ vì tổ chức Olympic.

“Hầu hết nước chủ nhà của Thế vận hội đều thua lỗ, ngoại trừ Thế vận hội Los Angeles 1984. Olympic tại Rio, Sochi, Athens và Montreal đều trở thành thảm họa kinh tế khi các quốc gia nợ nần sau nhiều năm. Nền kinh tế Nhật Bản cũng không thể khác”, chuyên gia này cho hay.