nguoinghe.vn
Đến nay, Hà Tĩnh có 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương 317.000 tỷ đồng.

“Bến đỗ” nhiều dự án FDI lớn

Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi với hệ thống giao thông kết nối khu vực và quốc tế, có cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương khá quy mô. Bên cạnh đó, khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với tổng vốn 12,787 tỷ USD - dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất Việt Nam đang tạo cơ hội thuận lợi giúp Hà Tĩnh thu hút nhiều dự án tầm cỡ trong những năm gần đây.

Nhờ tận dụng tốt lợi thế riêng của địa phương, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên thời gian gần đây, Hà Tĩnh liên tiếp “hút” các dòng vốn FDI lớn vào đầu tư. Từ một tỉnh có nhiều khó khăn, sau chặng đường nỗ lực bứt phá, Hà Tĩnh đã vươn lên trở thành địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ 30 và là một trong 10 địa phương dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ USD. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng, FDI có 68 dự án với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD, tương đương hơn 317.000 tỷ đồng.

Ngoài Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, có thể điểm tên nhiều dự án đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tổng Công ty cổ phần Điện lực dầu khí Việt Nam đầu tư; Tổng kho Xăng dầu Vũng Áng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Nhà máy Sản xuất Pin VinES do Tập đoàn Vingroup đầu tư với số vốn hơn 3.784 tỷ đồng đi vào sản xuất. Dự kiến, quý III/2024, Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion của Công ty CP Giải pháp năng lượng VinES (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Công ty Gotion, Inc (thuộc Gotion High-Tech) có số vốn đầu tư hơn 6.329 tỷ đồng đi vào hoạt động. Dự kiến, trong năm 2025, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 có tổng kinh phí 2,2 tỷ USD với quy mô 2 tổ máy, tổng công suất 1.330 MW cũng sẽ chính thức vận hành.

Hà Tĩnh cũng đã thúc đẩy hình thành và phát triển dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics, ký kết hợp tác với Tân Cảng Sài Gòn mở tuyến container Vũng Áng. Đây chính là bước hợp tác khởi đầu chiến lược để thiết lập ổn định và phát triển mở rộng, hình thành tuyến vận tải container khu vực và quốc tế, phát triển dịch vụ hậu cảng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương. Bên cạnh đó, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch biển cao cấp, du lịch sinh thái của các doanh nghiệp lớn như: Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH… cũng đang xúc tiến các hoạt động đầu tư vào Hà Tĩnh.

Có được kết quả này, Hà Tĩnh đã chủ động tiếp cận nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước để mời gọi đầu tư. Để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài, hiệu quả tại địa phương, Hà Tĩnh luôn tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bênh cạnh đó, tỉnh cũng ban hành, điều chỉnh nhiều chính sách thu hút mới, đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực Công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may. Lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics…

Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh khẳng định: “Hà Tĩnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào nghiên cứu, đầu tư tại Hà Tĩnh. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp”.

nguoinghe.vn
Khu Kinh tế Vũng Áng đã thu hút được 153 dự án, trong đó có 56 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 16.040.933 triệu USD.

Để Hà Tĩnh sớm “cất cánh”

Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh có nhiều bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế. Tỉnh này cũng phấn đấu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước. Để Hà Tĩnh sớm “cất cánh” tỉnh này cũng đặt ra nhiều giải pháp quan trọnghàng đầu để thực hiện những mục tiêu chiến lược của giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và huy động tối đa nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Với 04 ngành kinh tế trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch, Hà Tĩnh sẽ phát triển theo chiến lược tăng trưởng xanh, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm môi trường sống. Trong giai đoạn mới, 04 yếu tố: Nguồn lực và văn hóa con người; kết cấu hạ tầng đồng bộ; môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; chuyển đổi số và cải cách hành chính được xác định là các yếu tố nền tảng. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, phát triển nền kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số.

Việc thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang là định hướng, chiến lược phát triển cũng như thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên của Hà Tĩnh để sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.

Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt với chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh bởi quy hoạch được phê duyệt là cơ sở pháp lý, động lực thúc đẩy tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá mà các nghị quyết đã đề ra.

Trong những năm gần đây, Hà Tĩnh cũng có nhiều “đột phá” trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút hiệu quả vốn FDI. Việc triển khai cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư FDI của Hà Tĩnh được thể hiện rõ nét trong thời gian qua.

Với quan điểm “thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh”, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Hà Tĩnh, từ quá trình tư vấn ban đầu đến giai đoạn giải quyết các thủ tục hành chính chỉ cần thông qua bộ phận “một cửa liên thông”. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong giải quyết nhanh các thủ tục, giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, giảm bớt phiền hà, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điển hình như: Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; Khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019. Đẩy mạnh các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư lớn; Tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến như “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh - Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào". Đồng thời, khuyến khích các nhà đầu tư nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, thích ứng với tình hình mới, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, để gia tăng thu hút nguồn vốn FDI, Hà Tĩnh cũng cần có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn FDI vào những dự án lớn với công nghệ hiện đại nhằm làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải quyết triệt để những vướng mắc của doanh nghiệp. Song song với đó, tỉnh Hà Tĩnh cần căn cứ vào tình hình đầu tư thực tế nhằm nhìn nhận những ưu điểm để tiếp tục phát huy. Đồng thời, chỉ rõ những hạn chế để sớm có các giải pháp khắc phục.