Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đã trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận.
 
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh còn có tên gọi khác là Dân ca ví, giặm xứ Nghệ là thể loại dân ca mà người hát không cần nhạc đệm. Lối hát này do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Theo thống kê năm 2013, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện vẫn còn 260 làng có thực hành dân ca ví, giặm, có 75 nhóm dân ca ví, dặm đang hoạt động với trên 1.500 thành viên
 
Loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này đã không ngừng phát triển cả về bề rộng, bề sâu, trở thành bản sắc riêng có của nhân dân vùng Nghệ Tĩnh. Dân ca ví, giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa. Bởi vậy, các lối hát được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: ví phường vải, ví phường đan, ví phường nón, ví phường củi, ví trèo non, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên… Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là Dân ca ví, giặm. Dân ca ví, giặm với ca từ dễ nhớ, dễ thuộc và nội dung gần gũi với đời sống của người dân, do đó nghệ thuật truyền thống này có sức sống mãnh liệt và được thực hành liên tục từ khi hình thành cho đến nay.
 
Ví và giặm xứ Nghệ được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Các cuộc hát nổi bật với lối hát giao duyên, thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết. Mỗi bên hát phải có ít nhất hai, ba người, một người hát chính, người còn lại hát theo để đỡ giọng.
 
Các đặc trưng diễn xướng của ví, giặm Nghệ Tĩnh gồm có: hát gắn với không gian và môi trường lao động như: cày cấy, gặt hái, đắp đập, đào mương...; hát vào những dịp hội hè, lễ tết hoặc thi thố tài năng, ứng tác văn chương…; tính giao duyên giữa những lứa đôi trai gái; tính tự tình - mượn câu hát để bộc lộ nội tâm; tính tự sự - dùng hình thức kể vè để thuật lại những sự việc xảy ra; tính tâm linh - hát trong khi thờ cúng, tế lễ, cầu vong cầu đồng…; tính giáo huấn - thông qua câu hát để răn dạy, khuyên nhủ người đời về những điều hay lẽ phải, thuần phong mỹ tục, đạo lý nhân nghĩa…; tính mưu sinh đối với các phường trò chuyên nghiệp, các gánh hát ca trù, các ông xẩm hát rong…; tính đa dùng - cùng một cốt nhạc có thể chuyển tải được nhiều nội dung, đối tượng, sắc thái tình cảm; tính phổ cập - hầu như khắp mọi miền quê, già trẻ gái trai đều thể hát được.
 
Việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh không chỉ là niềm tự hào cho người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ góp phần không nhỏ trong việc đưa loại hình nghệ thuật này đến với công chúng trong cũng như ngoài nước; nâng tầm và khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như sự độc đáo của các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đối với thế giới.