Trong ngày 16/7, ngành y tế Đắk Lắk đã ghi nhận thêm 7 ca dương tính bạch hầu mới. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có tổng cộng 16 ca nhiễm bệnh.
 
Trước tình hình dịch bạch hầu ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngành y tế và lực lượng chức năng đã tổ chức khoanh vùng, lập chốt chặn cách ly hàng trăm hộ dân tại các địa bàn để tránh lây lan bệnh. 
 
Chiều ngày 16/7, Bác sĩ Bùi Nam Ơn - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
 
Đó là các bệnh nhân H.M. (33 tuổi), Y.K. (10 tuổi), Y.Q. (10 tuổi), H.D. (12 tuổi). Tất cả những người này đều là người dân tộc Ê đê, cùng trú tại buôn Trắp, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar. Cả 4 trường hợp mắc bạch hầu trên đều là người thân bên nội của bệnh nhân Y K. (4 tuổi, ngụ buôn Bling, xã Cư M’gar) có kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu vào ngày 13/7. 
 
Trước đó, vào sáng cùng ngày ngành y tế tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm 3 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 1 ca phát hiện tại thôn Cư Rang, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) và 2 trường hợp nhiễm bệnh ở Lô 13 (xã Đray Bhăng, huyện Cư Kuin). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có tổng cộng 16 mắc bệnh bạch hầu tại 4 huyện là Lắk, M’Đrắk, Cư Kuin và Krông Bông. Riêng huyện M’Đrắk có tới 6 bệnh nhân.
 
Theo ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh bạch hầu mới, ngành Y tế Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, cách ly tại các ổ dịch, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần. Đồng thời, tiến hành phun thuốc khử trùng khu vực sinh sống của các ca bệnh. Đồng thời, triển khai việc tiêm vắc xin cho người dân để phòng ngừa dịch bệnh lan rộng.
 
Cũng theo ông Nay Phi La, Bộ Y tế vừa quyết định về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên là: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông nhằm khống chế bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng. Với mục tiêu trên 90% tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên được tiêm vắc xin và sẽ triển khai trong tháng 7/2020. Tổng kinh phí dự kiến là hơn 89 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc xin là trên 71 tỷ đồng và kinh phí mua vật tư tiêm chủng là trên 17 tỷ đồng.