Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Thần tượng quân sự của tôi là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ”.
Là một thầy giáo dạy lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa những kế sách đánh giặc, giữ nước của tổ tiên ta. Bởi lịch sử của dân tộc ta là lịch sử được viết bởi hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta phải biết sử ta”.
Năm 1990, khi trả lời phỏng vấn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ Stanley Karnow, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể triết hoặc lịch sử”.
Trong nhiều lần trao đổi với Hội Sử học Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, chính hiểu biết và tư duy sử học đã giúp Đại tướng rất nhiều trong việc chỉ huy Quân đội ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Xây dựng một đội quân cách mạng hùng mạnh
Quân đội ta được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nay tuy nó là đội quân nhỏ bé, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó sẽ đi khắp miền Nam Bắc trong suốt cuộc trường chinh giải phóng. Nó là đội quân cách mạng đàn anh. Mong cho nó có những đội quân đàn em…”. Vừa mới ra đời, vào ngày 25/12/1944, Đội đã tập kích diệt đồn Phai Khắc thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26/12/1944, Đội đánh Đồn Nà Ngần (cách Phai Khắc 15 km về phía Đông Bắc).
Ngày 15/4/1945, Đảng ta hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Chiều 16/8/1945, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một đơn vị Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), mở màn cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh khen rằng: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tày, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công” .
Sinh thời, vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhận định: “Nhân tướng là người tướng hiểu con người, biết quý con người, biết dùng người và được mọi người yêu quý. Chỉ có những vị tướng như thế mới trăm trận trăm thắng được. Tướng của Nhân dân nhất định phải là như thế”. Ngày 20/1/1948, đồng chí Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội ta được phong quân hàm Đại tướng.
Ngày 22/12/1949, nhân kỉ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Cha kính yêu của quân đội ta đã gửi thư cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong thư, Người nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là “Anh Cả”. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của dân tộc ta” .
Trên cương vị Bí thư Tổng Quân uỷ và sau đó là Bí thư Quân uỷ Trung ương (1946 - 1977), Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1946-1975), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946 - 1947; 1948 - 1980), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có công lớn xây dựng một đội quân cách mạng hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn dân đánh thắng hai đế quốc là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong giai đoạn này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết nhiều tác phẩm về quân sự như: “Khu giải phóng” (1946), “Đội quân giải phóng” (1947), “Chiến tranh giải phóng và quân đội Nhân dân, ba giai đoạn chiến lược” (1950), “Điện Biên Phủ” (1964), “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng” (1970), “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội Nhân dân” (1972), “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc” (1979)…
Nói về Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Lực lượng tham gia quân đội là những thanh niên yêu nước, con em của các giai cấp, các tầng lớp Nhân dân của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đại bộ phận là con em công nhân, nông dân và Nhân dân lao động. Qua được giáo dục, rèn luyện trong quân đội, họ đã trở thành những cán bộ, chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội” .
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biến quân đội ta từ yếu thành mạnh, từ trang bị thô sơ thành trang bị hiện đại. Bên cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “cái hạt giống bé nhỏ” là Giải phóng quân ngày nào, đã “nảy nở thành cái rừng to lớn và Vệ Quốc quân” .
Trong buổi họp Hội đồng Chính phủ năm 1948, tin tưởng tài cầm quân và trí tuệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra câu đối dự báo: “Giáp phải giải Pháp”, khẳng định niềm tin tấm lòng yêu mến của Người khi giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài danh. Tháng 12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, trận quyết chiến chiến lược giữa ta và Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn chú trọng việc xây dựng Quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công. Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất ra việc khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực, để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn, góp phần quyết định thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ năm 1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1955-1991), Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách nhiều vấn đề kinh tế - xã hội trong giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên (1980) và Dự thảo chiến lược kinh tế và quốc phòng biển (1985);... Trong công cuộc đổi mới (từ năm 1986), với mong muốn đất nước phát triển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu, đóng góp nhiều ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước.