Đại lộ Vinh - Cửa Lò hiện là tuyến giao thông rộng nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có quy mô dài gần 11km, điểm đầu giao với đường Trương Vân Lĩnh (TP Vinh), điểm cuối giao với đường Bình Minh (Thị xã Cửa Lò).

Đại lộ đi qua địa bàn TP. Vinh 3,4km, huyện Nghi Lộc 4,8km và qua Thị xã Cửa Lò 2,6km. Trên toàn tuyến có 12 làn xe, trong đó mỗi bên có 6 làn.

Trục đại lộ rộng 72m này từ ngày khởi công đến nay đã tạo ra những điểm nhấn khác biệt, kết nối, tạo đà phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, đáng chú ý nhất là giá đất đã tăng liên tục trong suốt 7 năm qua.

rr-1724404641.PNG
Đại lộ rộng 72m Vinh - Cửa Lò những ngày cuối cùng trước giờ thông xe. Ảnh: Quốc Huy

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc một công ty buôn bán bất động sản gần 10 năm qua tại TP Vinh (Nghệ An), cho hay, từ năm 2017-2018, dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò bắt đầu đưa máy móc vào động thổ, giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến. Khi đó, giá đất thổ cư bám mốc lộ giới dao động từ 5- 6 triệu đồng/m2, đất khu vực bên trong chỉ từ 1,5-2 triệu đồng/m2.

Sau 7 năm, đến nay giá đất ở xung quanh trục đường 72m đã tăng lên 30-45 triệu đồng/m2, giá đất bên trong khu vực dân cư tăng lên từ 12 lên 17 triệu đồng/m2, cao gấp 6-8 lần so với trước khi làm đường.

Theo ông Tuấn, hai bên đường đại lộ Vinh - Cửa Lò sau khi thông xe toàn tuyến, nếu không có dự án hỗ trợ phát triển thì thị trường nhà đất sẽ vẫn dừng chân, thậm chí còn giảm ở vùng đất xã Nghi Phong, Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc).

“Thị trường nhà đất khu vực này vẫn có giao dịch nhưng rất chậm so với trước. Một số khách hàng là người tại các huyện, thị khác có nhu cầu mua đất ở bằng tiền nhàn rỗi đã đẩy giá cao lên. Trên thực tế, các giao dịch đang chững lại” - ông Tuấn đánh giá.

Mua đất chờ kỳ vọng thị trường

Ông Lê Anh Cường, một nhà đầu tư bất động sản khác, cho rằng, bản chất của thị trường bất động sản là “mua sự kỳ vọng”, giá trị con đường làm đến đâu thì thị trường bất động sản cũng biến động đến đó. Thông thường, một con đường xuất hiện nhưng không có dự án đầu tư thêm thì khó có kỳ vọng giá tăng ở vùng đất gần tuyến đường này.

“Tuyến đường trước và sau khi thông xe một thời gian ngắn, giá bất động sản đã đạt đỉnh” - ông Cường nói.

rrr-1724404674.PNG
Nhiều thửa đất vẫn đang được rao bán đón thời điểm thông xe. Ảnh: Q.H

Cũng theo ông Cường, tới đây, một số xóm, phường ở các huyện Nghi Lộc và Thị xã Cửa Lò sẽ sáp nhập vào TP Vinh. Do đó, nhu cầu mua đất ở các địa phương sắp sáp nhập sẽ gia tăng.

“Lâu nay tại TP Vinh không có dự án mới, nguồn cung ít nên từ cuối năm 2023 đến đầu năm nay, thị trường nhà đất ở thành phố tăng từ 10-30%. Để tìm được đất ở TP Vinh giá tầm từ 1,5 đến 2 tỷ đồng là rất khó” - ông Cường thông tin.

Ngoài ra, tại một số điểm tổ chức đấu giá đất mới có nhiều người tham gia đăng ký, mua hồ sơ. Tuy nhiên, do thị trường đang chững lại, nhiều nhà đầu tư nhỏ chỉ dám chung nhau 1 đến 2 lô đất đấu giá. Trường hợp lời thì bán chia nhau, nếu không đạt kỳ vọng thì chấp nhận bỏ tiền đặt cọc vì đất đấu giá đẩy lên cao hơn so với thực tế.

Theo ông Nguyễn Công Ánh - Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc), vừa qua thị trường nhà đất có dấu hiệu lắng xuống.

“Sắp tới, UBND huyện Nghi Lộc phê duyệt đấu giá hơn 100 lô đất thì thị trường bất động sản sẽ có nhiều biến động” - ông Ánh nhận định.

Cũng theo ông Ánh, xã Nghi Phong có 3 tuyến đường chính nối từ TP Vinh - Cửa Lò, gồm đường 72m; Quốc lộ 46 và đường ven biển cắt vào Quốc lộ 46. Giá đất ở bên trong trục đường chính liên xã, trục chính dao động từ 20-30 triệu đồng/m2, riêng các trục đường khác ô tô tránh nhau được giá khoảng 10 triệu đồng/m2.

Thời gian tới, thị trường bất động sản ở xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) và các địa phương có trục đường 72m đi qua dự báo sẽ sôi động trở lại.