photo1647307738534-16473077386611528453631-1647337593.jpg

Có sự "tiếp tay, giúp sức" của nhiều bị can là lãnh đạo tỉnh Bình Dương

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương, gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương) cùng 27 bị can khác.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Văn Minh bị đề nghị truy tố 2 tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và ‘‘tham ô tài sản’’.

Con gái ông Minh là bà Nguyễn Thục Anh, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển, cũng bị đề nghị truy tố về tội “tham ô tài sản” ở khung cao nhất.

Các hành vi phạm tội của ông Minh được xác định có sự "tiếp tay, giúp sức" của nhiều bị can là lãnh đạo tỉnh Bình Dương, như Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy;) Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh)…

Vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

photo-1-16473078794111444788351-1647337615.jpeg
Trước năm 2017, gia đình ông Nguyễn Văn Minh được biết đến là đại gia ở Bình Dương khi sở hữu và tham gia quản lý, điều hành nhiều doanh nghiệp lớn ở Bình Dương, ngoài Tổng công ty Bình Dương.

Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình điều hành hoạt động tại Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng hoạt động của Hội đồng thành viên theo mục đích cá nhân.

Với cương vị công tác cũng như năng lực, trình độ của bản thân, bị can Nguyễn Văn Minh phải hiểu rất rõ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ tài sản nhà nước, trong đó có những quy định về định giá trị tài sản để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, khi chuyển nhượng khu đất 43ha cho công ty Tân Phú và đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại công ty Tân Thành trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Bình Dương, bị can Nguyễn Văn Minh đã cố ý vi phạm các quy định pháp luật, không thực hiện quy trình định giá các khu đất này theo quy định mà tự ý định giá nhằm phục vụ cho mục đích chuyển nhượng trái phép các dự án đầu tư trên các khu đất này, không dựa trên cơ sở pháp lý nào, không có báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.

Hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Văn Minh được cho là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại về tài sản cho nhà nước với tổng thiệt hại được xác định là 1.850 tỷ đồng, báo Dân trí dẫn kết luận điều tra.

Cha tham ô 154 tỷ, con gái chiếm hưởng 209 tỷ

Báo Thanh niên dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, đối với hành vi "tham ô tài sản", năm 2007, ông Nguyễn Văn Minh ký hợp đồng liên doanh với 2 công ty Hàn Quốc là IC Corporation và K Source Solutions để lập ra Công ty CP đầu tư và phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành), vốn điều lệ 30 triệu USD nhằm thực hiện dự án "CLB sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp", gồm: sân golf 18 lỗ, CLB giải trí, khu căn hộ cao tầng, khu nhà ở cao cấp và khu thương mại trên khu đất tọa lạc tại khu liên hợp.

Phía Tổng công ty Bình Dương góp 30% vốn điều lệ là 9 triệu USD bằng quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 145 ha, phía 2 công ty của Hàn Quốc góp 21 triệu USD (70% vốn điều lệ).

Đến năm 2011, do khó khăn về vốn nên 2 công ty Hàn Quốc đã lập "Hợp đồng chuyển nhượng vốn và nhận góp thay vốn" với Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP Hưng Vượng. Theo đó, Công ty TNHH Phát Triển và Công ty CP Hưng Vượng nhận chuyển nhượng phần vốn đã góp của phía Hàn Quốc là 5,2 triệu USD (đã góp tính đến thời điểm 2011) và nhận góp thay phần vốn chưa góp của phía 2 công ty phía Hàn Quốc là 15,8 triệu USD (tương đương 52,67% vốn điều lệ).

Tiếp đó, với mục đích tạo điều kiện cho Công ty Hưng Vượng (có sở hữu vốn của cá nhân Nguyễn Văn Minh) có nguồn tài chính thanh toán các khoản tồn đang còn nợ Tổng công ty Bình Dương; cũng như Công ty Phát Triển của Nguyễn Thục Anh (con gái Minh) làm Chủ tịch HĐQT trả nợ ngân hàng khoản vay để góp vốn vào Công ty Tân Thành, bị can Nguyễn Văn Minh đã chủ trương để Tổng công ty Bình Dương nhận chuyển nhượng 19% từ Công ty Tân Thành.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Tổng công ty Bình Dương đã chi hơn 964 tỉ đồng để mua 9.120.000 cổ phần với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần (trước đó thời gian ngắn chỉ được xác định hơn 16.000 đồng/cổ phần), gây thiệt hại cho Tổng công ty Bình Dương, số tiền hơn 815 tỷ đồng.

Trong đó, cá nhân Nguyễn Văn Minh trực tiếp chiếm hưởng 154 tỷ đồng sử dụng để hoàn ứng, thanh toán nợ khó đòi tại Tổng công ty Bình Dương và hưởng lợi từ cổ phần tại Công ty Hưng Vượng. Bị can Nguyễn Thục Anh được xác định chiếm hưởng số tiền hơn 201 tỷ đồng…

Cựu Tổng giám đốc khiến hàng loạt quan chức Bình Dương vướng lao lý khai gì?

Theo Kết luận điều tra, tại phần lời khai của mình, ông Nguyễn Văn Minh khai bản thân quyết định nội dung và cuộc họp HĐTV Tổng Công ty 3/2 ngày 9/6/2017, đưa khu đất 145ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá trị theo hợp đồng liên doanh năm 2007.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Minh cũng là Chủ tịch HĐQT công ty Tân Thành, trực tiếp ký hợp đồng nhận góp vốn bằng khu đất 145ha.

Việc đưa khu đất 145 ha vào góp vốn tại Công ty Tân Thành với giá trị thấp, không tiến hành định giá lại để đưa vào xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty 3/2 là chưa đúng với phương án sử dụng đất được Tỉnh ủy phê duyệt và quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Như vậy, với tư cách là người đứng đầu cả hai công ty (3/2 và Tân Thành), ông Nguyễn Văn Minh đã thúc đẩy góp vốn bằng đất với diện tích 145 ha, nhưng định giá thấp từ công ty vốn Nhà nước (3/2) sang công ty tư nhân (Tân Thành), qua đó chiếm đoạt số tiền lớn.

Liên quan đến ông Nguyễn Văn Minh và Tổng công ty 3/2, hàng loạt quan chức tỉnh Bình Dương đã phải vướng vòng lao lý. Điển hình như ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; ông Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Phạm Văn Cành, cựu chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương..., báo VOV đăng tải kết luận điều tra./.