Theo hãng tin CNN, một phi công vừa hoàn thành chuyến bay thương mại từ Mỹ đến Ấn Độ, nơi đang trong tình trạng báo động vì dịch bệnh Covid-19, đã phải đón nhận tin sốc khi một đồng nghiệp của anh cũng đã chết vì Covid-19.
“Lúc đó máy bay của chúng tôi vừa hạ cánh tại Delhi. Khi động cơ đã tắt, tôi khởi động lại điện thoại thì người ngồi cạnh thông báo là đồng nghiệp của tôi đã mất”- người phi công giấu tên (vì lo sợ mất đi công việc) bàng hoàng chia sẻ.
“Tôi nhớ là mình đã sụp đổ ngay sau khi nghe tin và không thể rời ghế trong vòng vài phút”. Đó là một trong năm phi công Ấn Độ đã ra đi trong tháng 5 vừa qua sau khi mắc Covid-19 sau làn sóng thứ hai của đại dịch tại đất nước này.
Vào đợt sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, khoảng giữa tháng 3 và đầu tháng 5, hàng triệu người Ấn Độ đã bị nhiễm bệnh và con số tử vong ngày càng tăng cao.
Hệ thống y tế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Ấn Độ đã sụp đổ, khiến cho người bệnh phải nằm bên ngoài bệnh viện, chờ được tiếp tế dưỡng khí và giường trống.
Dịch bệnh cũng đã gây nhiều khó khăn cho ngành hàng không. Phi công và nhân viên trên máy bay có vai trò chủ yếu trong nỗ lực chiến đấu chống Covid-19 của Ấn Độ - nhưng họ phải đối mặt với mức lương bị cắt giảm và bị từ chối được ưu tiên tiêm vaccine.
Việc này khiến nhiều nhân sự trong ngành bị lây nhiễm và hơn 12 người đã tử vong. “Phần lớn các đồng nghiệp của tôi phải đương đầu với nguy hiểm hàng ngày một cách vô điều kiện, ngay trên tuyến đầu, theo thông báo của Liên Đoàn Phi công Ấn Độ, một tổ chức tập hợp hơn 5000 thành viên là các phi công từ các hãng máy bay khác nhau đang hoạt động ở Ấn Độ.
Ngày 8/6 vừa qua, liên đoàn này đã gửi đi đơn kiến nghị tới Toà Án Tối Cao Mumbai, yêu cầu tăng trợ cấp bảo hiểm cùng với các khoản đền bù cho các phi công và gia đình những người đã khuất.
“Các phi công, nhân viên phi hành đoàn và nhân sự ở các bộ phận khác đang làm việc không ngừng nghỉ, cống hiến hết mình cho đất nước trong đại dịch này. Vì vậy, việc cải thiện những khó khăn họ đang trải qua là rất quan trọng…”.
Cắt giảm mạnh về tiền lương
Trong cả hai đợt dịch bệnh hoành hành, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu di tản người dân và vận chuyển các nguồn cung cấp thiết yếu tới những nơi an toàn — biện pháp này đã đặt một trách nhiệm lớn lên các phi công tại Ấn Độ.
Nhiều hãng hàng không đã thực hiện các chuyến bay hồi hương trong bối cảnh cả đất nước Ấn Độ bị phong toả nghiêm ngặt vào đợt bùng dịch đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái.
Sự nỗ lực được dẫn dắt bởi Air India, hãng hàng không quốc gia của Ấn Độ. Trong khi đó, các hãng hàng không tư nhân cũng bắt đầu nhận nhiều chuyến bay hồi hương công dân về Ấn Độ với chi phí được nhà nước chi trả.
Một phi công cho biết anh và các đồng nghiệp có thể lựa chọn không tham gia các chuyến bay này, nhưng đó cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập trong thời gian khó khăn. Như nhiều ngành nghề khác, những người này không còn lựa chọn nào ngoài đối mặt với các mối hiểm nguy.
“Chúng tôi không biết mức lương sẽ thế nào và bao giờ sẽ nhận được tiền” – một phi công nói. Theo lời chia sẻ của phi công này, trước đây tiền lương được trả theo tháng, nhưng sau đại dịch thì được tính theo số chuyến bay. Sự giảm sút của việc đi lại khiến cho mức lương giảm đến 50% so với thời điểm bình thường.
Từ đầu năm 2020, thu nhập của phi công tại Ấn Độ đã bị cắt giảm đang kể. Trong lá thư gửi tới Bộ Trưởng Hàng Không Ấn Độ vào tháng 11 năm ngoái, Hiệp Hội Phi Công Thương Mại Ấn Độ và Liên đoàn Phi Công Ấn Độ đã thông báo rằng lương của các phi công đã bị cắt 70%, khá nhiều so với 10% của nhóm quản lý cấp trên.
Trong một thông báo vào tháng 7 năm ngoái, hãng Air India đã tuyên bố rằng lương tiêu chuẩn của các nhân viên không hề bị cắt giảm — nhưng lại thừa nhận đã “ hợp lý hoá” tiền trợ cấp vì khó khăn tài chính. Theo thông báo, phi công và phi hành đoàn của hãng sẽ được trả lương theo số giờ đã làm.
Tuyên bố trên đã gây lên sự bất bình trong các hiệp hội phi công ở Ấn Độ, họ cho rằng Air India không trung thực về mức lương và tình hình thị trường hiện nay.
Hơn 2,000 nhân viên của Air India đã tham gia vào những chuyến bay hồi hương công dân Ấn Độ tại hơn 24 nước. Trong số đó, 16% đã nhiễm Covid-19 và hơn 500 người khác đã phải nhập viện.
Không được ưu tiên tiêm vaccine
Các phi công tại Ấn Độ bị từ chối tiếp cận các biện pháp bảo vệ sức khỏe thiết yếu nhất – đó là vấn đề được tiêm chủng bằng vaccine chống Covid-19.
Ấn Độ bắt đầu tiêm vaccine cho người dân vào tháng 1, các đối tượng được ưu tiên gồm các bác sĩ và nhân viên tuyến đầu. Một vài ngành nghề như công nhân, được đánh giá là tuyến đầu nhưng các phi công hay thành viên phi hành đoàn của các hãng hàng không lại không được nhận ưu tiên này.
Trong lá thư kiến nghị được gửi đi vào tháng 4, Hiệp hội phi công Ấn Độ đã yêu cầu nhà nước xem xét cho những lao động đang làm việc trong hàng không được tiêm vaccine chống Covid-19, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một khiếm khuyết trong nỗ lực chiến đấu chống lại dịch bệnh ở Ấn Độ.
Nhưng các phi công đã không được tiêm vaccine cho tới tháng 5 vừa qua, khi nhà nước bắt đầu tiêm chủng cho người trên 18 tuổi. Ngay cả khi đó, việc này vẫn khó khăn khi hàng triệu người đổ xô đi tiêm, dẫn đến cạn kiệt vaccine và buộc các trung tâm y tế phải đóng cửa.
“Không có số tiền đền bù nào có thể thay thế được mạng sống của con người. Nghĩa vụ của nhà nước là chăm sóc sức khỏe cho các phi công và gia đình của họ vì bản thân những người này cũng đang hy sinh sự an toàn của nhiều người khác trong khi phải đối mặt với dịch bênh chết chóc nhất trong lịch sử loài người” - Theo đơn kiến nghị của Hiệp hội phi công Ấn Độ.
Theo CNN, viên phi công thương mại đã chia sẻ với hãng tin này nói rằng, anh vẫn sẽ tiếp tục bay nhưng trong tâm trạng sợ hãi và lo lắng cho bản thân anh cũng như tương lai của gia đình minh.
“Tôi đã thấy người thân như đang khóc khi gọi video, xem tin tức... Tôi thực sự rất đau lòng và không muốn điều đó đến với vợ con mình” – phi công Ấn Độ chia sẻ.