Các hộ nuôi ngao ở khu vực Gồ Nam cửa sông Lạch Tray ngăn chặn Công ty Tân Vũ thả phao tiêu vì cho rằng việc làm này làm chết ngao.

Nhiều năm qua, khu vực Gồ Nam cửa sông Lạch Tray, phường Tràng Cát, quận Hải An, TP Hải Phòng trở thành nơi tranh chấp giữa những người dân nuôi ngao và doanh nghiệp khai thác cát. Gần đây, tình trạng này lại diễn ra phức tạp.

Dai dẳng “cuộc chiến ngao - cát” cửa sông Lạch Tray
Ngư dân cắm cọc, dựng chòi canh trên mỏ cát được cấp cho Công ty Tân Vũ

Thường xuyên tranh chấp

Ngày 25/6, các hộ nuôi ngao ở khu vực Gồ Nam đã ngăn chặn khi Công ty CP Thương mại - Xây dựng Tân Vũ Hải Phòng (Công ty Tân Vũ) ra thả 6 phao tiêu, vì cho rằng việc thả phao làm chết ngao.

Đây không phải là lần đầu tiên các hộ nuôi ngao ở Gồ Nam và Công ty Tân Vũ xảy ra gây hấn. Ngày 23/11/2017, ngày 9/1/2019, Công ty Tân Vũ thả bổ sung phao tiêu đều vấp phải sự ngăn cản của một số ngư dân.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng (tổ dân phố Tân Vũ 2, phường Tràng Cát, quận Hải An) cho biết: Khu vực Gồ Nam - cửa sông Lạch Tray từ lâu đã là ngư trường truyền thống nơi người dân phường Tràng Cát và các địa bàn lân cận tổ chức khai thác, đánh bắt thủy sản. Năm 2011, khi nguồn lợi thủy sản giảm, ngư dân bắt đầu chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, cắm cọc, dựng chòi nuôi ngao.

“Năm 2017, khi người dân đang khai thác, nuôi trồng ổn định thì Công ty Tân Vũ cho người ra thả phao tiêu, nói rằng khu vực này là mỏ cát được cấp phép cho doanh nghiệp từ năm 2010, cấm người dân không được nuôi ngao ở đây. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân từ vài chục năm nay, nên vì vậy đã xảy ra xô xát giữa những người nuôi ngao và doanh nghiệp”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hải, Giám đốc Công ty Tân Vũ cho hay, công ty đã được các ban, ngành TP Hải Phòng cấp phép khoan thăm dò mỏ cát từ năm 2008 và cuối năm 2010, được UBND TP Hải Phòng cho phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại khu vực Gồ Nam - cửa sông Lạch Tray với tổng diện tích là 96ha; trữ lượng trên 3.910.686m3; công suất khai thác 200.000m3 cát nguyên khai/năm và thời hạn khai thác là 18,5 năm.

Tới tháng 9/2013, UBND TP Hải Phòng đã ban hành quyết định cho phép Công ty Tân Vũ thuê 960.000m2 mặt nước ven viển thuộc khu vực Gồ Nam - cửa sông Lạch Tray thực hiện dự án.

Sau quá trình khai thác cát phục vụ cho làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Công ty Tân Vũ xin điều chỉnh giấy phép và đã được UBND TP Hải Phòng cấp giấy phép khai thác khoáng sản (sửa đổi, bổ sung)…

Đến năm 2017, Công ty Tân Vũ mới nhận được hợp đồng san lấp mặt bằng và bắt đầu tổ chức khai thác thì vấp phải sự phản đối của một số hộ dân nuôi ngao. “Chúng tôi đã trình báo cơ quan chức năng về vụ việc”, bà Hải cho biết.

Theo quan sát thực tế của Báo Giao thông, khu vực Gồ Nam - cửa sông Lạch Tray đã được người dân cắm cọc, dựng lều canh. Những chiếc phao tiêu đã bị kéo đến vị trí khác, nằm trong con lạch, cách xa so với khu vực Công ty Tân Vũ được cấp mỏ.

Bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Dai dẳng “cuộc chiến ngao - cát” cửa sông Lạch Tray
Những chiếc phao tiêu sau khi được thả đã bị ngư dân kéo ra lạch cửa sông Lạch Tray

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND phường Tràng Cát cho biết, vụ việc diễn ra dai dẳng nhiều năm, UBND phường cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng đến nay chưa xử lý được dứt điểm.

Mới nhất, 2/6/2021, UBND phường đã tổ chức cuộc họp với người dân, nêu rõ vị trí các hộ dân đang khai thác, nuôi trồng thủy sản có chồng lấn với diện tích doanh nghiệp được cấp phép.

“Nếu các hộ dân kiến nghị về quyền lợi, cần có sự thương thảo với doanh nghiệp để được giải quyết”, ông Tuấn nhìn nhận.

Trong khi đó, theo đại diện UBND quận Hải An, trong sự việc này, Công ty Tân Vũ được thành phố cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2010 nhưng không triển khai ngay việc thả phao tiêu, gắn biển cảnh báo để đánh dấu, khoanh vùng phạm vi mỏ cát. Vì vậy, dẫn đến các hộ dân cắm cọc, dựng chòi, quây bãi để khai thác thủy sản trong phạm vi khu vực đã được cấp giấy phép.

Đối với các hộ dân, việc tự ý đầu tư khai thác, nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và nằm trong phạm vi khu vực đã được UBND thành phố cấp giấy phép khai thác là trái quy định.

Tuy nhiên, trước cách phản hồi không rõ ràng, chỉ cho rằng đây là việc của doanh nghiệp với các hộ dân, chưa đưa ra phương án giải quyết cụ thể của phường Tràng An, quận Hải An, nhiều hộ dân nuôi ngao ở Gồ Nam cho rằng, cuộc chiến ngao - cát nơi đây sẽ còn tiếp tục “nóng”.

Liên quan đến vụ việc, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng Lê Anh Quân đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, sử dụng đất mặt nước ven biển, cửa sông, bãi triều và khu vực biển được giao quản lý theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, kiểm tra, thống kê các tổ chức, cá nhân đang sử dụng mặt nước ven biển, cửa sông, bãi triều và khu vực biển trái phép tại địa phương, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về khai thác, quản lý tài nguyên môi trường biển, vận động thuyết phục các tổ chức cá nhân nuôi trồng thủy sản tự phát tháo dỡ công trình, trả lại mặt bằng cho địa phương.