Đề nghị Chính phủ trả “món nợ” tồn đọng từ nhiều nhiệm kỳ trước
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 28/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị Chính phủ tập trung trả một số "món nợ" tồn đọng từ nhiều nhiệm kỳ trước.
Đó là vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; giải quyết các dự án đầu tư thua lỗ, các ngân hàng yếu kém và các khoản nợ xấu đang để lại những gánh nặng tài chính cực lớn cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước, đè nặng lên đôi cánh tăng trưởng, càng kéo dài, thiệt hại càng gia tăng.
Món nợ ba là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập, bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. "Theo tôi, sự trễ hẹn trong hoàn thiện và đổi mới thể chế tạo ra lực cản và điểm nghẽn cho đầu tư phát triển", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành Y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động như trước thời kỳ Covid-19.
Những giải pháp này cần đồng bộ từ quy định, các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như tồn tại, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố, ngay cả về người và cơ sở vật chất chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ với hàng chục triệu nhân dân, người lao động, cán bộ, công viên chức, cán bộ hưu trí và người dân diện chính sách, càng không thể chống chịu được khi dịch bệnh bùng phát lại hay phát sinh mới.
Thực hiện khẩn trương giải ngân chương trình phục hồi, 9 tháng qua mới giải ngân được 20%.
Đại biểu Nghĩa đề nghị có nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình.
“Mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp”, ông Nghĩa nói và cho biết, trước mắt, để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ ngày 1/1/2023.
Mặt khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành Y tế, Giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.
Đồng thời, đẩy mạnh kiềm chế lạm phát cũng như nghiêm trị các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, lừa đảo, lũng đoạn thị trường... Ông nói thêm cử tri mong muốn Chính phủ quan tâm kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước cho dù Chính phủ không bảo lãnh các khoản nợ này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng kiến nghị tăng cường kỷ luật hành chính từ cấp bộ xuống cấp xã: "Các bộ, ngành trung ương phải là cầu nối thông suốt giữa Thủ tướng với chính quyền các tỉnh, thành phố, là trợ thủ đắc lực cho các doanh nghiệp. Tuyệt đối không thể là các trạm gác quan liêu, vô cảm, thậm chí nhũng nhiễu", ông Nghĩa nói.
Cán bộ “e ngại”, sợ sai, sợ trách nhiệm…sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển?
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, bà không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hóa, luật hóa, Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt, nhưng cấp cơ sở thì tâm lý “e ngại”, “sợ sai”, “đùn đẩy”, “sợ trách nhiệm”… Như vậy làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển?
“Trong khi Quốc hội thì khẩn trương làm ngày, làm đêm để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần phê bình hiện tượng này và đã từng nói thẳng: “ai không làm thì đứng sang một bên”. Tôi cho rằng, nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại. Vì đứng đằng sau, chúng ta vẫn còn có cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại biểu Yên nói.
Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên mong Chính phủ cần siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể.
“Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại việc bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường”, bà Yên nêu ý kiến.
Ngành y tế nước ta đã và đang bị chao đảo
Nêu ý kiến thảo luận, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng, y tế nước ta đã và đang bị chao đảo. Đó là tình trạng cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công; thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu; việc mua sắm các thiết bị cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn; vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ.
"Dù với lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với Nhân dân", đại biểu nói.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tập trung giải quyết các tồn tại này, giao cho bệnh viện tự chủ về tài chính, về nhân lực, giải quyết được vấn đề thiếu thuốc cho bệnh nhân.
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng, chống dịch covid-19. Với kế hoạch đặt ra chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 đạt 12 bác sỹ/10.000 dân cũng là một thách thức lớn với ngành y tế nếu như không có giải pháp căn cơ bởi đào tạo đc 1 cán bộ y tế giỏi không phải 1 sớm 1 chiều.
Theo đại biểu Thu, chưa bao giờ các vụ bạo hành nhân viên y tế lại xảy ra dễ dàng như bây giờ. Mỗi cán bộ y tế làm việc liên tục với cường độ cao, môi trường làm việc nguy hiểm trong thời gian kéo dài. Cùng với đó là áp lực từ dư luận xã hội lên toàn ngành sau những sai phạm được phát hiện đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ viên chức ngành y tế.
“Vấn đề lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở thì hiện cũng chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống. Ngoài ra, nguyên nhân còn do áp lực về việc thiếu điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian qua…”, đại biểu Thu nói./.