Trả lời ĐB H’Bơ Khăp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói mất rừng không có nghĩa cứ nghĩ đến thủy điện.
 
Chiều 6/11, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Thiếu tá Công an, đoàn Gia Lai) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, để tiếp tục truy vấn chủ đề nguyên nhân mưa lũ liên quan đến thủy điện đã được đặt ra trước đó.
 
"Bộ trưởng nói bão lũ, sạt lở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?", nữ đại biểu hỏi.
 
Nữ đại biểu nêu thêm: "Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam? Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?".
 
Nữ đại biểu cũng nêu lại ý kiến của Thủ tướng về việc Tây Nguyên không thể trở thành sa mạc mà phải được phủ xanh bạt ngàn, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để hạn chế phá rừng, và đặt câu hỏi: "Khi nghe được, tôi thực sự xúc động và trân trọng trăn trở đó của Thủ tướng. Xin Thủ tướng cho biết, việc phá rừng đúng quy trình thông qua các dự án thì phải điểm tên, chỉ mặt tổ chức, cá nhân nào, hay cứ bảo do Quốc hội bấm nút là được?".
 
Trả lời câu hỏi của nữ đại biểu đoàn Gia Lai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ: "Tôi muốn nói với đại biểu rằng, nếu đại biểu lắng nghe thì tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không là nguyên nhân. Tôi muốn nói rằng con người là nguyên nhân.
 
Khi quyết định làm thủy điện thân thiện với môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác, như Na Uy rất nhiều thủy điện, họ dựa trên thế năng tự nhiên.
 
Còn nếu chúng ta tận dụng mọi cơ hội để khai thác thủy điện và chúng ta chấp nhận bỏ rừng thì khi đó là nguyên nhân con người", ông Hà nói.
 

 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
 
Bộ trưởng Hà tiếp tục trình bày: "Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào. Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời.
 
Bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2, nhả khí oxy. Rừng cung cấp 70% các tài nguyên cung cấp cho cuộc sống của con người. Rừng là hết sức thiêng liêng. Rừng sinh thủy. Rừng chứa chúng ta, trong chiến tranh rừng che bộ đội".
 
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định lại, ông muốn nói thủy điện không phải là nguyên nhân mà là hậu quả do các việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên không dựa vào quy luật tự nhiên, và việc này chúng ta có thể khắc phục được.
 
Thứ hai, theo ông, mất rừng không có nghĩa cứ nghĩ đến thủy điện mà là do chúng ta tư duy sai trái, đó là trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng các động vật hoang dã.
 
"Thủy điện không phải nguyên nhân chính mất rừng, mà mất rừng chính là do người ta đã thay thế rừng tự nhiên bằng những cánh rừng sản xuất bình thường như cây cà phê thì không thể thay thế được hệ sinh thái rừng tự nhiên", Bộ trưởng Hà nêu.
 
Ông nói thêm, chúng ta cần phải hiểu, ngoài các nguyên nhân trên, việc mất rừng còn nhiều nguyên nhân khác đặt ra cho công tác quản lý.
 
"Từ góc độ này, với tư cách là người làm môi trường, chúng tôi sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cùng Quốc hội rà soát từng m2 đất nếu chuyển từ rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đặc dụng.
 
Sắp tới với rừng phòng hộ đặc dụng, nếu nơi nào không còn rừng nhưng có chức năng phòng hộ, bảo vệ con người thì chúng ta phải phục hồi lại rừng, mà phải phục hồi lại rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên", Bộ trường Hà nói.
 
Trước khi dừng phần trả lời, ông nhắn nhủ nữ đại biểu: "Tôi rất mong đại biểu nghe lại băng tôi trả lời để chúng ta có sự hiểu biết nhau hơn"./.