Kit test "siêu rẻ" dùng làm gì, đang ở đâu?

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã thông tin về hoạt động nhập khẩu của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á trong thời gian từ năm 2017-2021.

Theo đó, trong số các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Việt Á trong 5 năm từ 2017-2021, có bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2. Từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Việt Á nhập 3 triệu que test loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test), với tổng trị giá 64,68 tỷ đồng.

img-bgt-2021-va-16401784531491243516827-1642734003-width684height385-1642816162.jpeg
Bộ Công an đã khởi tố nhiều bị can liên quan đến vụ Công ty Việt Á thổi giá kit test Covid-19

Trong khi đó, khi chào hàng các sản phẩm của mình, Việt Á luôn khẳng định "hàng Việt Nam" và cho biết, do chi phí sản xuất bộ kit đã được tài trợ nên giá 400.000-600.000 đồng/test.

Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á nêu quan điểm: "Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình, vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân?".

Sản phẩm kit test của Việt Á được Công ty này tham gia cùng nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y ngay từ những ngày đầu (năm 2020). Việc chuyển giao kit gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch.

Sau đó, Việt Á cũng được Hội đồng tư vấn lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm bởi đơn vị này có năng lực sản xuất kit test.

Tuy nhiên, sau khi Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công An, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ban lãnh đạo Công ty Việt Á, nhiều phóng viên báo chí đã tiếp cận phòng sản xuất của Công ty Việt Á chỉ có 10 người; hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết cũ kỹ.

Sau khi Tổng cục Hải quan thông tin về 3 triệu kit test Việt Á nhập khẩu với giá chỉ hơn 21 nghìn đồng/kit test, dư luận băn khoăn ngoài hành vi "nâng khống giá", có hay không việc Việt Á nhập khẩu kit test Trung Quốc về bán dưới mác "made in Việt Nam", với giá 400.000-600.000 đồng/test?

img-bgt-2021-anh-3-dbqh-pham-van-hoa-1642734105-width1280height720-1642816199.jpg
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa

Luận bàn về sự việc này, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm rõ, 3 triệu test mà Công ty Việt Á nhập từ Trung Quốc với giá hơn 21 nghìn đồng này về để làm gì và đã được sử dụng ra sao?

“Theo công bố thì Việt Á là công ty sản xuất được kit test, nhưng công ty này lại nhập khẩu hơn 3 triệu test về thì cần phải được làm rõ, việc nhập kit này để sử dụng mục đích gì? Nếu chưa được sử dụng thì số test này hiện đang ở đâu? Liệu có sự trà trộn giữ sản phẩm này với những sản phẩm được gắn mác là Công ty Việt Á sản xuất hay không?”, ông Hòa đặt câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nếu đúng có sự hàng Trung Quốc đội "lốt" hàng Việt Á sản xuất để trục lợi bất chính thì cần phải xử lý nghiêm minh.

“Vụ án nâng khống kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty Việt Á đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tôi tin rằng, mọi sự dối trá, góc khuất của Công ty Việt Á sẽ được phơi bày và xử lý nghiêm mình. Tôi tin nếu có hiện tượng nhập khẩu kit test nước ngoài giá rẻ về “đội lốt” hàng Việt để nâng khống giá thì chắc chắn bị xử lý”, ông Hòa nói.

Xem xét trách nhiệm liên quan

Cùng bàn về nội dung này, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, nếu quả thật có hiện tượng mua hàng Trung Quốc rồi "phù phép" thành hàng Công ty mình sản xuất thì không chỉ xử lý nghiêm những người liên quan đến Việt Á mà cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

"Nếu đúng là mua hàng Trung Quốc giá rẻ sau đó gắn mác "Việt Nam" bán giá cao thì không chỉ xử phạt nghiêm Công ty Việt Á, mà cũng cần phải xem xét trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ; y tế... bởi quá trình cấp phép sản xuất một sản phẩm y khoa cần chặt chẽ, phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.

"Cấp phép sản xuất thì phải gắn liền với thanh, kiểm tra, đặc biệt là sản phẩm ở lĩnh vực y tế thì càng cần phải có sự giám sát chặt chẽ. Không phải cấp phép cho rồi thì Công ty đó muốn làm gì thì làm", ông Tiến nêu quan điểm./.