Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, bão lụt xảy ra hàng năm như một quy luật tự nhiên, không thể dùng lòng tốt khắc phục hậu quả từ năm này sang năm khác, mà cần chiến lược lâu dài.
 
Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 3/11 nóng lên với vấn đề thiên tai, lũ lụt ở miền Trung. Các đại biểu phân tích nhiều về nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp để hạn chế thiên tai và hậu quả của thiên tai.
 
Trong 23 ý kiến phát biểu và 2 ý kiến tranh luận, có đến một nửa đề cập đến nội dung này.
 
Sẽ còn những cột mốc tang thương nếu không thay đổi
 
Là một trong hai đại biểu dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) muốn trao đổi lại với một số ý kiến cho rằng diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam đang chiếm tỷ lệ lớn.
 
Theo ông Hiếu, thực tế rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại, bão lụt, sạt lở ngày càng gây hậu quả nặng nề.
 
“Thảm họa sẽ xảy ra bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng hay thủy điện 'cóc' vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, thậm chí được cấp giấy phép mới”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
 
Ông cho rằng sẽ còn những trận lũ lịch sử và những cột mốc tang thương nếu chúng ta không thay đổi cách làm, không nhận thấy những sai lầm trong quá khứ.
 
“Việc này thật khó vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo, chúng ta đã làm, nhưng thay đổi trong tư duy thì không dễ. Đơn cử, khi mỗi người trong đầu vẫn quan niệm gỗ tự nhiên là tốt hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến nhà thăm cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương hay lim, sến, táu, rồi tự huyễn hoặc là gỗ này không phải do phá rừng đặc dụng Việt Nam”, đại biểu tỉnh An Giang nhấn mạnh bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ tư duy.
 
Nhắc đến việc cứu trợ sau bão lũ ở miền Trung, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu gợi ý nên tính tới việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương của con người sẽ ngày càng được nhân rộng.
 

 
Vừa qua, thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra ở miền Trung đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản.
 
“Bão lụt chắc chắn sẽ xảy ra hàng năm như một quy luật của thiên nhiên, chính vì vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm này sang năm khác. Chúng ta cần có chiến lược lâu dài nhằm giảm hậu quả nặng nề của bão lụt. Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận ở cấp quốc gia, có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực”, ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Ông đề cập việc cấp thiết hiện nay là cập nhật bản đồ sạt lở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn… để tránh được tổn thất đau xót về người.
 
"Xả lũ đúng quy trình nhưng dân vẫn bị thiệt hại"
 
"Lũ lụt miền Trung hiện nay cho thấy tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang trở nên bất thường và ngày càng khắc nghiệt”, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), nhận định.
 
Cho rằng quy trình vận hành liên hồ chứa có nhiều bất cập, theo đại biểu Diến, đó chính là lý do của tình trạng “xả lũ đúng quy trình nhưng người dân vùng hạ du vẫn bị bất ngờ, thiệt hại”.
 

 
Đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết để vận hành hiệu quả, an toàn, đầy đủ thông tin trong việc điều tiết nước. 

Từ đó, vị đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư những công cụ quan sát, đo đếm, dự báo cần thiết trong việc điều tiết nước, nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn sự cố trong vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi.
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhận định lũ lụt, sạt lở đất, mưa lớn ở miền Trung trong những tuần qua nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, nhưng đặt ra rất nhiều vấn đề.
 
Cùng với hành động giúp người dân khôi phục lại sản xuất và ổn định đời sống, xa hơn, vị đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phải làm sao để hạn chế những tai họa tương tự trong thời gian tới.
 
“Việc này không phải chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn của Quốc hội. Tôi kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết về chủ đề này, mở đường cho Chính phủ có những giải pháp và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp để di dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ cuốn”, ông Xuân nói.
 
Chưa tăng lương để “chia sẻ khó khăn”
 
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về việc chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.
 
Song ông đề nghị Chính phủ có giải pháp kiềm chế giá, kiềm chế lạm phát, đảm bảo giá cả phù hợp. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ hàng tháng đối với cán bộ, công chức, người về hưu có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng cho đến khi tăng lương để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.
 
Cũng chia sẻ lo ngại về ngân sách, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết đại dịch Covid-19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn cùng mưa lũ thất thường ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và các công trình hạ tầng. Do vậy, khả năng năm 2020 sẽ hụt thu ngân sách Nhà nước.
 
Ông cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chưa tăng lương cơ sở năm 2021, để dành nguồn lực ưu tiên khắc phục thiên tai, khắc phục sản xuất, duy trì và phát triển kinh tế trong thời gian tới./.