Theo các nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam thì người Mông có nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc. Trước đây, họ là một bộ phận của dân tộc Dao ở Trung Quốc, cho đến thế kỷ VII-IX mới phát triển và tách ra thành một dân tộc độc lập.
 
Qua những biến động của lịch sử Trung Quốc, để tránh chế độ phong kiến hà khắc và sự bóc lột tàn độc của bọn chúa đất, từ thời Thái bình Thiên Quốc đến khi Trung Quốc giải phóng (1949), người Mông đã tổ chức nhiều đợt thiên di. Một bộ phận lớn người Mông di chuyển từ tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) đến phía Tây Bắc Việt Nam và cư trú ổn định, lâu dài ở đây. Tuy nhiên, do lối sống du canh du cư nên một bộ phận người Mông lại tiếp tục di cư từ các tỉnh phía Tây Bắc sang Xiêng Khoảng (Lào), một bộ phận từ Sơn La sang Sầm Nưa (Lào).

Và từ các tỉnh này của nước bạn Lào, người Mông lại di cư sang các tỉnh miền Tây Nghệ An. Trong đó, huyện vùng biên Kỳ Sơn là nơi có cộng đồng người Mông định cư nhiều nhất, tiêu biểu ở các xã Tây Sơn, Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ… Với những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc mình, cộng đồng này đã góp phần lớn vào việc tạo nên một nền văn hóa đa dạng hòa cùng các dân tộc thiểu số khác ở miền Tây xứ Nghệ. Người Mông định cư theo dòng họ. Mỗi dòng họ thường ở theo một cụm và dựng nhà san sát nhau ở lưng chừng núi. Hầu hết những ngôi nhà ở đây đều có kiến trúc rất giống nhau, bởi vậy khi mới bước chân vào đây, người ta rất khó phân biệt được nhà người này, người khác. Đó chính là kinh nghiệm quần cư để giúp đỡ nhau của những người trong cùng dòng họ mỗi khi có kẻ thù hay thú dữ đến phá hoại.
 
Điều kiện và hoàn cảnh sống đó đã tạo ra những thói quen, cách sống, thái độ và phương pháp ứng xử của người Mông đối với thiên nhiên và xã hội, với môi trường xung quanh, tạo nên những sắc thái văn hóa riêng của người Mông.
 
Cư trú ở địa bàn núi cao nên sản xuất chủ yếu của người Mông là làm nương rẫy, trồng các loại cây lương thực như lúa, nếp, ngô,… Trước đây, khi chưa được khai hóa, người Mông trồng thuốc phiện khá nhiều, diện tích cây thuốc phiện được họ canh tác trong rừng sâu gây khó khăn cho việc phá bỏ của các cấp chính quyền. Ngày nay, do được tuyên truyền sâu rộng, nên người Mông đã bỏ dần tập quán này, chuyển đổi dần sang việc trồng rừng mang lại kinh tế cao. Chăn nuôi gia súc gia cầm khá phát triển đối với đồng bào Mông, mỗi gia đình nuôi hàng chục con gia cầm, gia súc các loại. Người Mông có tập quán chăn nuôi theo hình thức thả rông nên các loại gia súc như bò, trâu, ngựa, dê thông thường được họ thả trong rừng, thỉnh thoảng mới có người vào trông coi hoặc khi cần mới vào kiểm tra. Một số nghề thủ công khá phát triển như rèn đúc, làm giấy, mộc, đan lát,… Trong đó nghề rèn tương đối phát triển với sản phẩm làm ra đa dạng như con dao, cái rìu, lưỡi cày,… phục vụ cho nhu cầu sản xuất của đồng bào.
 
Tổ chức xã hội của người Mông theo mô hình làng bản. Các gia đình thường sống gần nhau, quây tụ khoảng từ vài ba chục nóc nhà thì lập thành làng. Đứng đầu làng là trưởng làng, người điều hành mọi công việc trong làng. Bên cạnh vai trò của trường làng thì trưởng họ đối với người Mông cũng rất quan trọng vì trong xã hội của người Mông mối quan hệ truyền thống là các dòng họ. Những gia đình cùng dòng họ thường quần tụ, sống gần nhau tạo thành làng, thành bản và người trưởng họ được mọi người tín nhiệm, tuân theo vì theo đồng bào họ là người “cầm quyền ma, quyền khách”; ông sẽ là người đứng ra giải quyết những mẫu thuẫn, những xung đột hay những chuyện hệ trọng xảy ra trong các gia đình, trong dòng họ của mình.
 
Trong đời sống tín ngưỡng người Mông đặc biệt chú trọng lễ cúng ma làng (đa zồng), là thần bản mệnh của làng, người phù hộ độ trì cho dân làng mạnh khỏe, tránh bệnh tật, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt,… Vì thế, vào tháng giêng hàng năm, đồng bào tổ chức lễ cúng ma làng linh đình, đông vui. Vì quan niệm mọi loại vật đều có linh hồn nên ngoài cúng ma làng đồng bào Mông còn cúng nhiều loại ma như: ma trâu (nhiu dáng), ma nhà (xủa cá), ma cửa (xìa mình), ma lơn (bùa dáng), ma bếp (hú sinh),…
 
Với nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc, dân tộc Mông có nền văn hóa nghệ thuật khá giàu có, đặc biệt là truyện kể và âm nhạc thể hiện đời sống tinh thần phong phú, thái độ và tình cảm của đồng bào đối với thiên nhiên, đất nước, con người, với truyền thống đấu tranh của dân tộc. Nổi bật trong kho tàng truyện kể của đồng bào là tác phẩm “Tiếng khèn của Gia Ba Sử”, “Vừ Lin Thoong và Lỳ Ta Xa”, “Truyện Vừ Lông Pốc”… Âm nhạc của người Mông cũng khá phát triển với các điệu hát nổi tiếng, đóng dấu như là “thương hiệu” riêng của họ như là: điệu Cử xia, lù tẩu, vàng hủa, lệ lệ lệ tù lệ, xến, xằng lề.
 
Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một về bản sắc văn hóa truyền thống. Bản sắc văn hoá độc đáo của họ đã đóng góp và làm phong phú cho nền văn hoá Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay để phát triển “hòa nhập” mà không bị hòa tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tâm huyết, bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hóa sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy./.