Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Nhắc đến xứ Nghệ là nhắc đến mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra các anh hùng hào kiệt, các danh nhân Văn hóa kiệt xuất của Đất nước. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới, Người đã làm rạng danh non sông – đất nước ta. Trong suốt cuộc đời mình, có thể nói hình bóng quê hương luôn in đậm trong trái tim Người. Một quê hương mang dáng hình chữ S và một quê hương sâu đậm ký ức tuổi thơ - nơi chôn nhau cắt rốn của mình “Nghệ An”.
Từ vùng quê đầy ắp bức tranh thơ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm hình của Nước. Người luôn ôm trọn trong tim bóng hình quê hương đất Việt, với hình bóng mái nhà tranh đơn sơ thuở bé, mảnh vườn nhỏ với luống khoai trong vườn, cùng tiếng sáo diều vi vu trên đỉnh Núi Chung, hương Sen ngan ngát tháng 5, cả câu hò điệu Ví. Nỗi nhớ quê hương luôn theo bước chân Người, để rồi ngày trở về với đất mẹ Kim Liên, Người bồi hồi, thổn thức “Quê hương nghĩa trọng tình cao - Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Trong cuộc đời của mình, dù bận việc nước, trái tim Người vẫn luôn hướng về quê hương và Bác đã sắp xếp công việc để về thăm quê, đó là những lần hồi huơng đầy bịn rịn vào năm 1957 và năm 1961. Trong những ngày của tháng 12 lịch sử này, cùng với sự tri ân thì những hồi ức, những lời căn dặn và tình cảm của Người mỗi dịp về thăm quê lại hiện về, sống lại.
Chương trình nghệ thuật “Quê hương trong trái tim Người” gồm 3 phần: Phần 1 – Lời ru của mẹ. Phần 2 – Quê hương nghĩa trọng tình cao. Phần 3- Nghệ An làm theo lời Bác. Với nội dung được xây dựng xuyên suốt là những hoạt cảnh về tuổi thơ và chặng hành trình Người bôn ba tìm đường cứu nước, là những lời ru ầu ơ của mẹ, là những khao khát được trở về Hoàng Trù quê mẹ và Làng Sen quê cha.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài báo, bức thư, bài nói chuyện, bức điện nói đến quê hương Nghệ An. Trong Bức thư cuối cùng gửi Đảng bộ - chính quyền và nhân dân Nghệ An vào năm 1969, Người mong muốn quê hương sớm trở thành tỉnh khá của Miền Bắc và cả nước.
Thỏa lòng mong ước của Người, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nguyện một lòng đoàn kết bên nhau, sánh bước dưới ánh sáng và tư tưởng của Người, xây dựng quê hương giàu mạnh, trở thành tỉnh kiểu mẫu của cả nước. Từ miền xuôi cho đến miền ngược, từ nông thôn cho đến thành thị, bộ mặt quê hương Nghệ An đang từng ngày khởi sắc, chuyển mình mạnh mẽ với phong trào xây dựng Nông thôn mới, để quê hương Người vươn tới những tầm cao./.