Sau hơn 1 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng, song trong vòng 3 ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận 34 ca mắc mới. Chuỗi lây nhiễm mới liên quan đến 1 trường hợp F0 là lái xe từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin trái chiều, gây nhiều lo lắng trong nhân dân. Thậm chí có ý kiến băn khoăn về năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, buông lỏng trong công tác phòng chống dịch để xảy ra ổ dịch mới.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng về những vấn đề đang được dư luận quan tâm.
PV: Thưa ông, sau 31 ngày không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng thì trong vòng 3 ngày vừa qua, TP. Đà Nẵng ghi nhận 34 ca dương tính, gây nhiều lo lắng trong nhân dân. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố đánh giá mức độ nguy hiểm của ổ dịch này như thế nào? Có lỗ hổng nào tại các chốt kiểm soát ra vào trong phòng, chống dịch?
Ông Lê Quang Nam: Sau hơn một tháng không phát hiện ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, thì chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 18, 19 và 20/6/2021, tại thành phố đã phát hiện 34 ca mắc mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố đánh giá đây là ổ dịch mới có tốc độ lây lan nhanh, hiện nay mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đầu tiên đã được gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để giải trình tự gene, nếu là virus chủng Delta (từ Ấn Độ) thì khả năng sẽ lây lan nhanh trên địa bàn thành phố. Chủng virus này có chu kỳ trung bình khoảng 3 ngày, từ ngày 10/6 đến nay đã qua hơn 3 chu kỳ nên khả năng sẽ lây lan cao trong cộng đồng.
Trước diễn biến mới, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương họp ngay trong ngày 19/6 để đánh giá tình hình và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thần tốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và dập dịch theo các quy định, hướng dẫn hiện hành để khống chế dịch một cách nhanh nhất; đồng thời, tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân về những hạn chế, lỗ hổng tại các chốt kiểm soát ra vào phòng, chống dịch.
PV: Ổ dịch này nhanh chóng xác định được nguồn lây khi người ở Đà Nẵng tiếp xúc với ca mắc đến từ TP.HCM, khác những lần trước không rõ nguồn lây. Qua sự việc này cho thấy, công tác kiểm soát người và phương tiện tại các chốt kiểm soát dịch bộc lộ nhiều bất cập. Có ý kiến cho rằng, công tác kiểm tra tại Chốt kiểm soát thiếu chặt chẽ đã để cho lái xe tải từ TP.HCM đi vào Đà Nẵng, từ đó dẫn tới việc lây lan dịch bệnh. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý như thế nào?
Ông Lê Quang Nam: Xác định tính chất quan trọng của các chốt kiểm soát ra vào thành phố trong việc kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện đi, đến thành phố từ các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang có dịch, ngay từ thời điểm bùng bùng phát đợt dịch thứ 3 vào đầu tháng 5/2021, Ban Chỉ đạo đã quyết định tái khởi động 15 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ, đầu mối giao thông đi vào thành phố và giao Công an thành phố là đơn vị chủ trì, phối hợp với ngành Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng, các đoàn thể và các địa phương cùng tham gia; đồng thời cử Công an thành phố làm Tổ trưởng các tổ chốt.
Để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19; thành phố đã có quy định lái xe đến từ vùng dịch phải có kết quả xét nghiệm âm tính, khi vào thành phố thì cam kết không được phép xuống xe và rời khỏi thành phố trong vòng 24 giờ, trường hợp không có kết quả xét nghiệm âm tính thì chỉ được phép giao hàng, bốc dỡ hàng hóa ngay tại chốt cửa ô.
Ban Chỉ đạo cũng đã giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động của các chốt kiểm soát ra, vào thành phố; bổ sung, hoàn thiện, thống nhất quy trình hướng dẫn tiếp nhận và xử lý các phương tiện từ địa phương có dịch đến Đà Nẵng tại các chốt, cương quyết thực hiện nếu đủ điều kiện mới cho vào thành phố; rà soát, bổ sung lực lượng cho các chốt đảm bảo thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ và thường xuyên. Đồng thời, quan tâm bố trí điều kiện làm việc, chỗ nghỉ giữa ca, thay ca… cho lực lượng công tác tại các chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào thành phố để góp phần đảm bảo sức khỏe làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Lãnh đạo thành phố giao UBND các quận, huyện tăng cương vai trò, chức năng của các Tổ COVID-19 cộng đồng và các lực lượng liên quan tại địa bàn cơ sở quyết liệt thực hiện việc giám sát, phát hiện các trường hợp, phương tiện đến, về Đà Nẵng từ các địa phương khác, đặc biệt là các địa phương có dịch để kịp thời phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, có một số người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hoặc đối phó với các chốt kiểm soát, nhưng lực lượng các chốt đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Liên quan đến trường hợp để lọt xe từ vùng dịch vào thành phố, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Công an thành phố khẩn trương kiểm tra, báo cáo trách nhiệm liên quan của các chốt kiểm soát, nhất là chốt đã để cho phương tiện từ TP.HCM vào Đà Nẵng mà không được kiểm soát theo quy định, làm lây lan dịch lần này, báo cáo UBND thành phố, Thường trực Thành ủy.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, việc lái xe N.V.V đã từ TP.HCM đã cố tình vào Đà Nẵng mà không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch của thành phố.
>> Sáng 21/6, cả nước có 47 ca mắc COVID-19 mới
PV: Thành phố đã yêu cầu người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, các doanh nghiệp cũng phải ký cam kết khi hoạt động. Sự việc vừa qua cho thấy, Công ty nhựa Duy Tân, tại địa chỉ 415, Điện Biên Phủ chưa thực hiện nghiêm yêu cầu của thành phố, không khai báo sự việc liên quan đến công ty mình, gây khó khăn trong chống dịch. Thành phố sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? Và cơ chế giám sát đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới ra sao?
Ông Lê Quang Nam: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, UBND quận Thanh Khê khẩn trương kiểm tra, xác định trách nhiệm của chủ Công ty nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ) và người có liên quan về việc phương tiện từ TP.HCM đến giao, nhận hàng hóa tại Công ty, dẫn đến việc lây lan dịch mà không khai báo; tổng hợp báo cáo và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu của tất cả các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP. Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, nhất là quy định 5K; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, khai báo người từ các địa phương có dịch về làm việc, công tác, giao dịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương một cách chặt chẽ theo quy trình phòng, chống dịch.
Thành phố cũng giao Sở Y tế, CDC Đà Nẵng làm việc, kết nối với CDC các tỉnh, thành để thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin, tình hình dịch, đặc biệt là thông tin về các ca nhiễm và các F từ các địa phương khác liên quan đến Đà Nẵng hoặc từ Đà Nẵng liên quan đến các địa phương khác, để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo quy định (kể cả vấn đề người hoàn thành cách ly tập trung từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành).
Thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”, mỗi người dân phải là một “chiến sỹ” trên mặt trận chống dịch, do đó vai trò của người dân là rất quan trọng, mang tính quyết định, chính quyền thành phố kêu gọi toàn dân chung tay với chính quyền trong việc kiểm soát chặt chẽ khai báo và tự khai báo những người từ vùng dịch đến Đà Nẵng, kịp thời phát hiện người đến từ vùng dịch để thông báo cho các cơ quan chức năng. Thành phố tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất mức độ lây lan của dịch bệnh.
PV: Thành phố đã xin ý kiến tự mua vaccine để sớm tiếp cận được nguồn vaccine tiến tới tiêm vaccine toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Việc này đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Quang Nam: TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Y tế đăng ký nhu cầu sử dụng vaccine phòng COVID-19 và đã cam kết chi trả đầy đủ kinh phí mua vaccine theo số lượng đăng ký với Bộ Y tế, tuân thủ đúng phương thức chi trả theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Thực hiện chiến lược sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân trên diện rộng của Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực tiếp cận, đàm phán để có được vaccine phòng COVID-19 từ nhiều nguồn khác nhau. Trong thời gian tới, Bộ Y tế có thể sẽ tiếp nhận nhiều loại vaccine với số lượng lớn và sẽ phân bổ về cho các địa phương để triển khai.
Để đáp ứng được công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 trong thời gian đến nhanh nhất để tạo được miễn dịch công đồng ngoài việc có vaccine đầy đủ thì công tác tiêm chủng an toàn sẽ được thành phố chuẩn bị theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Ngành y tế đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng và đáp ứng được việc xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Với khả năng hiện tại, thì có thể triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn dân trên địa bàn thành phố trong khoảng từ 2-3 tháng nếu có nguồn vaccine đầy đủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.