Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn tiền để dành mua vắc xin Covid-19 hiện đã có khoảng 22.000 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, kinh phí mua vaccine gồm nguồn ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ, tài trợ, của các tổ chức, cá nhân và do các tổ chức, cá nhân tiêm vắc xin tự nguyện chi trả. Ảnh minh họa.
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí 14.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, cùng với nguồn tiền từ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 khoảng 8.000 tỷ đồng, tổng cộng là 22.000 tỷ đồng, "gần đủ để tiêm vắc xin Covid-19 cho 75 triệu dân, mỗi người 2 mũi".
"Chỉ có vaccine và 5K mới ngăn chặn được đại dịch", báo SGGP ghi lời phát biểu Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại phiên họp.
Với kế hoạch triển khai tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021 từ các hãng và cơ chế Covax.
Trong đó, 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca được Chính phủ mua lại từ Công ty VNVC theo nguyên tắc phi lợi nhuận. Đến cuối tháng 5 đã có 405.200 liều vắc xin loại này được đưa về Việt Nam và dự kiến hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca sẽ về Việt Nam mỗi tháng từ nay tới cuối năm 2021.
Tháng 7 tới lô vắc xin đầu tiên trong số 31 triệu liều vắc xin Pfizer BioNTech sẽ về tới Việt Nam, trong quý III và IV, mỗi quý 15,5 triệu liều.
5 triệu liều vắc xin của Moderna, 20 triệu liều vaccine Spunik V (Nga) đã được đàm phán mua từ nhà sản xuất, dự kiến cung cấp trong năm sau.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax Facitily tài trợ miễn phí.
Ngoài các nguồn đặt mua, tuần trước Việt Nam đã nhận gần 1 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Nhật Bản trao tặng và 500.000. liều vaccine Sinopharm từ Trung Quốc, thông tin được ghi nhận trên báo VnExpress.