Ngày 28/8, trả lời HĐXX về vai trò và hành vi khi làm Trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa quận Tân Phú, Phạm Thanh Tuấn (40 tuổi) thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng, song cho rằng bản thân chỉ có trách nhiệm là người đứng đầu đơn vị vì đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các sai phạm.

Tuấn bị cáo buộc từ 2017 đến 2020 đã thành lập 2 tổ công tác tuần tra, bắt giữ những người liên quan đến mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; đưa về trụ sở lấy lời khai, ghi lý lịch, niêm phong tang vật... để chuyển lên Công an quận Tân Phú xử lý. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến tháng 4/2020, Tuấn và cấp dưới đã yêu cầu 29 người liên quan đến ma túy gọi điện thoại cho gia đình mang tổng cộng gần 1,1 tỷ đồng, 2 chỉ vàng và 100 USD, đến trụ sở "chung chi" để được tha về, không bị xử lý.

Tuấn cùng hai cấp phó Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý (57 tuổi) và 10 người nguyên là cán bộ cấp dưới bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

"Thời gian xảy ra sai phạm bị cáo đi học chính trị, không trực ca ngày mà chỉ trực chỉ huy 10 ca đêm. Bị cáo thường xuyên thấy một số cán bộ ghi lời khai của người vi phạm, có hỏi trực ban thì được biết là chỉ làm để răn đe người vi phạm", Tuấn trình bày.

65-1693280281.jpg
Bị cáo Phạm Thanh Tuấn tại tòa sáng nay. Ảnh: Hải Duyên

Về việc các cấp dưới khai Tuấn "chỉ đạo lập 2 tổ công tác để bắt người vi phạm và cô lập, vô hiệu hóa hai cấp phó", cựu trưởng công an phường bác bỏ, cho rằng lời khai của 2 cấp phó Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý là không đúng sự thật. "Do họ tự nghĩ ra chứ bị cáo hoàn toàn không chỉ đạo thành lập hai tổ tuần tra. Bị cáo chỉ ban hành quyết định thành lập 2 ca trực, mỗi ca 15-16 chiến sĩ gồm: chỉ huy, tổ phòng chống tội phạm, cảnh sát khu vực. Bị cáo cũng không chỉ đạo việc tha người vi phạm để nhận tiền", Tuấn trình bày.

Bị cáo nói thêm rằng, rất hối hận vì trong thời gian đi học, thiếu giám sát nên để xảy ra sai phạm. Về nguyên tắc, trong ca trực khi tiếp nhận tố giác tội phạm, nếu có dấu hiệu rõ thì báo cáo và chuyển lên công an quận xử lý. Nếu chưa rõ thì ghi vào biểu mẫu, ghi sổ theo dõi và báo cáo trong cuộc họp giao ban. Việc các cán bộ cấp dưới tiếp nhận và xử lý người vi phạm nhưng không được ghi biểu mẫu, không lập biên bản tạm giữ tang vật, vào sổ theo dõi... là sai. "Khi bị thanh tra bị cáo mới biết", Tuấn nói.

55-1693280302.png
Bị cáo Lê Văn Quý (ở giữa, hàng ghế dưới) cùng các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên

Trước đó, được tòa gọi lên thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Lê Văn Quý thừa nhận hành vi sai phạm như cáo buộc, tiếp tục cho rằng việc thành lập 2 tổ công tác tuần tra bắt giữ người vi phạm là theo chỉ đạo của Tuấn. Việc này là không đúng với quy định của ngành, bởi ông là Phó công an phường phụ trách vấn đề cư trú, các cấp dưới là cảnh sát khu vực có nhiệm vụ quản lý về cư trú nhưng vẫn được phân công tham gia tổ tuần tra.

"Là cấp phó lại sắp về hưu nên tôi cũng ngại va chạm, không báo cáo cấp trên", ông Quý khai và cho biết trong các ca trực có biết chuyện cấp dưới lấy lời khai người vi phạm nhưng "nghe anh em nói đã báo trưởng quận" nên ông không chỉ đạo gì thêm.

Tương tự, bị cáo Phan Văn Hòa (cựu phó công an phường Phú Thọ Hòa) thừa nhận sai phạm nêu trong cáo trạng là đúng. Hòa cho biết, 2 tổ công tác đã được thành lập trước khi bị cáo về nhận nhiệm vụ tại phường này nhưng về sau thì có biết và có tham gia trực chỉ huy. "Bị cáo có ý kiến với Trưởng phường (Phạm Thanh Tuấn) cũng như trong cuộc họp, nhưng không có chỉ đạo gì với tư cách cấp phó. Do lúc đó bị cáo thiếu quyết liệt", Hòa nói.

Hòa khai thêm, trong ca trực của mình có 10 người vi phạm được các cảnh sát đưa về nhưng không được báo cáo vì "việc này do cấp trên chỉ đạo". Cựu phó phường khẳng định mình không nhận tiền của người vi phạm cũng như được các chiến sĩ khác chia số tiền nhận của người vi phạm.

Trả lời thẩm vấn sau đó, một số bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm, song không thừa nhận việc nhận tiền để thả người vi phạm.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi của đại diện VKS và luật sư.