Sau 2 năm bị gián đoạn công việc, nhiều tháng nghỉ không lương, một số tiếp viên hàng không đã chuyển nghề, tìm định hướng mới.
Vài tuần gần đây, nhìn bạn bè, đồng nghiệp cũ tất bật trở lại với những chặng bay trong nước và quốc tế, Nguyễn Trân không khỏi chạnh lòng.
Ngành hàng không "đóng băng" quá lâu vì dịch bệnh, cô đành từ bỏ niềm đam mê với nghề tiếp viên, lựa chọn theo đuổi công việc khác nhằm đảm bảo thu nhập.
"Trong dịch, có những tháng tôi chỉ nhận mức lương 3-4 triệu đồng, không đủ để thuê nhà ở TP.HCM nói chi đến tiền sinh hoạt. Tôi lại là kinh tế chính trong nhà nên khoảng thời gian đó thực sự rất chật vật", Trân chia sẻ với Zing.
Thu nhập giảm, tâm lý chán chường
Theo Trân, cô tham gia khóa huấn luyện vào tháng 8/2019 và trở thành tiếp viên bay chính thức từ tháng 11 cùng năm. Vừa tham gia phi hành đoàn chưa lâu thì dịch bệnh bùng phát, công việc của cô rơi vào cảnh bấp bênh, thu nhập giảm sâu là điều không tránh khỏi.
"Khoảng đầu năm 2020 khi dịch vừa bùng phát, có một tháng tôi chỉ ở nhà và không có chuyến bay. Sau đó, đường bay trong nước phục hồi lại một số chuyến nhưng rất chậm. Khi đó, tôi cũng không thể về quê vì lịch bay luôn ở tình trạng standby, nếu có chuyến đột xuất hay tổ bay thiếu người là sẽ được gọi đi ngay", cô kể.
Trong giai đoạn ở nhà chờ đợi cơ hội bay, Trân từng cố gắng buôn bán nhỏ để kiếm thêm thu nhập nhưng không thành công. Đại dịch kéo dài hơn cô dự tính, các khoản thu - chi ngày càng siết chặt.
Vì vậy, sau hơn một năm bám trụ với nghề, Trân không thể kiên trì cầm cự. Đến tháng 3/2021, cô quyết định xin nghỉ việc, tìm kiếm lĩnh vực làm việc khác ít rủi ro hơn.
"Lúc nghỉ việc, cảm xúc của tôi lẫn lộn lắm vì tôi rất trân trọng quá trình huấn luyện và những nỗ lực mình dành ra cho nghề. Nhưng một phần do gánh nặng kinh tế, tôi không thể bám trụ được lâu dài. Thật sự đó là khoảng thời gian đó khá căng thẳng vì tôi không biết mình phải lựa chọn thế nào", Trân nói.
Sau khi nghỉ công việc tiếp viên hàng không, Trân làm việc cho một trường quốc tế. Tuy nhiên, may mắn vẫn không mỉm cười với cô bởi trường phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh.
Hiện tại, cô đang là nhân viên làm việc từ xa cho một công ty quốc tế, đồng thời chuyển về ở với mẹ tại quê nhà Bến Tre. Trân cho biết cuộc sống giờ đây của cô chậm hơn thời còn làm tiếp viên nhưng ổn định. Thu nhập từ công việc giúp cô trang trải được chi phí cho gia đình.
Sau gần 2 năm hoạt động trong ngành hàng không, Bùi Nhật Lệ (25 tuổi, Hà Nội) cũng quyết định tạm biệt công việc từng là ước mơ của mình để tập trung kinh doanh.
Cô chính thức trở thành tiếp viên hàng không hồi đầu năm 2020 với thu nhập duy trì ở mức trên 20 triệu đồng/tháng. Nhưng không may, dịch bệnh bùng phát vào tháng 3 khiến công việc của cô bị đình trệ.
Suốt 6 tháng liên tiếp, cô không được nhận lương, chỉ được phân công vài chuyến bay và được công ty trả lương theo giờ. Có tháng, cô không nhận được chuyến nào. Cô bắt đầu kinh doanh online từ tháng 10/2020 như một nghề tay trái.
"Tuy nhiên, tôi thấy rất khó để phát triển việc kinh doanh nhanh và mạnh nếu duy trì song song cả hai nghề. Tôi bắt buộc phải lựa chọn một trong hai", cô kể lại.
Covid-19 xuất hiện khiến Nhật Lệ trân trọng thời gian cho gia đình nhiều hơn. Và công việc kinh doanh giúp cô đáp ứng được mong muốn này, cùng với nguồn thu nhập tốt.
"Đặc biệt, tôi có thể tự lên lịch trình cho mình mà không cần xin phép cấp trên trước cả tháng. Nhờ có thời gian thử sức nhiều điều khác lạ, tôi thấy cuộc sống phong phú và có ý nghĩa hơn hồi chỉ quanh quẩn đi bay rồi về nhà", cô nói.
Cô cho biết nhiều người, kể cả gia đình, đã bày tỏ sự phản đối với quyết định thay đổi công việc của cô. Tuy nhiên, là một người khá độc lập, cô ít khi để tâm đến những lời bình luận.
Giống như Nguyễn Trân và Nhật Lệ, vào cuối năm 2021, Trần Tùng Lâm (29 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) xin nghỉ công việc tiếp viên hàng không sau khoảng 2 năm gắn bó.
Thu nhập giảm mạnh, tâm lý lo lắng, bất an là những lý do khiến anh không thể bám trụ với nghề.
"Suốt 2 năm Việt Nam bùng dịch, công việc của tôi bị ảnh hưởng quá lớn. Có giai đoạn 6 tháng liên tiếp tôi chỉ ở nhà, kéo theo đó là thu nhập không đủ cho cuộc sống. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh vẫn còn quá phức tạp, lịch bay không đều, nhiều lúc tôi căng thẳng đến trầm cảm", Lâm bày tỏ.
Anh hiện tự thưởng cho mình một năm "gap year" để ở nhà nuôi mèo, giải tỏa tâm lý áp lực. Sau thời gian này, anh sẽ tìm kiếm một công việc khác phù hợp, ít chịu tác động bởi yếu tố dịch bệnh.
"Thi thoảng tôi cũng nhớ nghề lắm, nhất là gần đây thấy đồng nghiệp cũ bắt đầu bay dày trở lại. Nhưng có lẽ tôi không có duyên với nghề tiếp viên hàng không, tôi sẽ làm một công việc có thể giúp mình tận dụng thế mạnh cá nhân nhưng ít rủi ro hơn", anh nói.
Trở lại bầu trời với tư cách hành khách
Đó cũng là tâm lý của Nguyễn Trân. Thấy bạn bè quay trở lại làm việc trên những chuyến bay hậu giãn cách, cô cho biết rất nhớ nghề và những chặng bay đêm quốc tế. Lâu lâu, cô vẫn mở hình cũ để xem, rất vui khi nhớ lại kỷ niệm lúc còn được làm việc trong bộ đồng phục tiếp viên.
Thế nhưng khi được hỏi có dự định trở lại làm nghề hay không, Trân trả lời: "Hiện tại, dự định tương lai của tôi đã thay đổi nên tôi không quay lại với nghề được. Nhưng quãng thời gian làm tiếp viên hàng không là một trải nghiệm rất thú vị trong cuộc đời tôi".
Còn theo Nhật Lệ, thời gian gần đây, cô đã thấy một số thông tin tuyển dụng của các hãng hàng không cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cô chưa có ý định ứng tuyển bởi đã quen với công việc kinh doanh tự do hiện tại. Cô cũng lên kế hoạch thực hiện nhiều dự án trong thời gian tới.
"Ở tương lai xa hơn, tôi có thể quay lại làm tiếp viên hàng không nếu nhớ nghề. Còn bây giờ, tôi thích trở lại bầu trời với tư cách hành khách hơn", cô cười, nói.
Cô cũng cho biết không riêng mình, một số đồng nghiệp cũng đã lựa chọn nghỉ việc và tìm hướng đi mới trong đại dịch.
"Không chỉ riêng tiếp viên hàng không, thời gian dịch bệnh kéo dài khiến nhiều nhân sự ở ngành nghề khác suy nghĩ lại về công việc của mình", cô nói./.