Liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Thành - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai về tội nhận hối lộ. Thời điểm thực hiện hành vi sai phạm, ông Trần Đình Thành giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vụ án đang trong quá trình điều tra, số tiền cựu Bí thư Đồng Nai nhận hối lộ chưa được công bố.

cuu-bi-thu-dong-nai-bi-bat-vi-nhan-hoi-lo-nguon-goc-khoi-tai-san-khung-1666421284.jpg
 Ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Đồng Nai.

Cần làm rõ khối tài sản ông Thành đang sở hữu?

Đáng chú ý, mới đây một số cơ quan báo chí đưa tin về khối tài sản ông Thành đang sở hữu. Ngoài một biệt thự tại trung tâm TP Biên Hòa, vợ chồng ông Thành còn sở hữu khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, với 3 mặt tiền tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Khu đất gồm 2 thửa, một thửa có diện tích gần 4,3 nghìn m2 xây dựng nhiều công trình xây dựng theo kiến trúc Nhật Bản và là nơi trưng bày nhiều loại bon sai, cây cảnh giá trị và thửa thứ 2 có diện tích hơn 2000m2 nằm kế bên.

Tại lễ khánh thành khu vườn vào ngày 13/3/2017, ông Thành từng cho biết: “Mảnh đất này trước đây gia đình chúng tôi mua sang nhượng lại từ những mảnh ruộng bé của nhiều hộ dân. Đất đủ sâu được bỏ hoang hóa, sau đó chúng tôi đã cải tạo mặt bằng để xây dựng. Với diện tích hơn 5.000m2, chúng tôi để phần lớn diện tích dành cho trưng bày, nuôi trồng bonsai".

cuu-bi-thu-dong-nai-bi-bat-vi-nhan-hoi-lo-nguon-goc-khoi-tai-san-khung-hinh-2-1666421310.jpg
Khu đất 3 mặt tiền hơn 5.000m2 ở TP Biên Hòa của cựu Bí thư Đồng Nai. (Ảnh: VTCNews) 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin trên hiện chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ thông tin này thực hư đến đâu.

Trường hợp có căn cứ cho thấy đây là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của vợ chồng ông Thành, cơ quan điều tra cũng có thể làm rõ nguồn gốc số tài sản này, sẽ làm rõ trong quá trình kê khai tài sản, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có kê khai tài sản này hay không. Nếu là tài sản riêng của vợ, cũng sẽ làm rõ nguồn gốc và căn cứ để xác định tài sản riêng.

Nếu kết quả điều tra cho thấy, đây là tài sản được tạo lập hợp pháp, là tài sản chung của hai vợ chồng và có kê khai hằng năm thì sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng vẫn có thể áp dụng biện pháp kê biên đối với tài sản này và những tài sản khác để đảm bảo thi hành án trong vụ án hình sự này.

Nếu kết quả điều tra có căn cứ cho thấy tài sản nhà đất này có được do hành vi phạm tội mà có, không có căn cứ cho thấy đây là tài sản riêng hợp pháp của vợ bị can, cơ quan điều tra cũng sẽ tiến hành xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với tài sản này để đảm bảo thi hành án. Với tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc tội phạm thì sẽ bị thu hồi để sung công quỹ nhà nước.

cuu-bi-thu-dong-nai-bi-bat-vi-nhan-hoi-lo-nguon-goc-khoi-tai-san-khung-hinh-3-1666421338.jpg
Trên khu đất được xây dựng nhiều công trình, đặt cây cảnh. (Ảnh: Tiền phong)

Tài sản nhận hối lộ sẽ bị thu hồi, sung công quỹ nhà nước

Nêu ý kiến về việc ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Đồng Nai vừa bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ” liên quan vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC, luật sư Cường cho biết, vụ án đang trong giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi nhận hối lộ được thể hiện qua chứng cứ nào, tài sản hối lộ là gì, giá trị bao nhiêu tiền, phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội như thế nào. Hiện nay tài sản đang ở đâu, ai quản lý để thu giữ, sung công quỹ nhà nước, làm căn cứ xác định hành vi phạm tội.

Đối với tội nhận hối lộ, cơ quan điều tra phải chứng minh hai vấn đề. Thứ nhất là phải chứng minh bị can đã nhận tiền, tài sản là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ. Thứ hai là phải chứng minh việc nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất đó là có sự thỏa thuận để thực hiện hoặc không thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nếu chứng minh được hai vấn đề này bằng các chứng cứ theo trình tự thủ tục luật định mới đủ căn cứ để kết tội đối với bị can theo quy định tại điều 354 bộ luật hình sự.

Trong vụ án "nhận hối lộ" xảy ra tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai và công ty AIC mà cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, có thể của nhận hối lộ là tiền hoặc các tài sản khác. Cơ quan điều tra phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tài sản nhận hối lộ ở đây là gì, ai là người đưa hối lộ, diễn biến của hành vi đưa hối lộ xảy ra vào thời điểm nào. Tài liệu chứng cứ nào chứng minh về tài sản đưa nhận hối lộ.

Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ chứng minh làm rõ kèm theo hành vi đưa hối lộ là có sự thỏa thuận với nhau như thế nào giữa người đưa và người nhận hối lộ để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ....

Tòa án chỉ có thể kết tội đối với bị can nếu như kết quả điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ cho thấy bị can đã nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ để thực hiện một công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Với tội nhận hối lộ theo quy định tại điều 354 bộ luật hình sự hiện nay thì hình phạt rất nghiêm khắc, hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình nếu như giá trị tài sản nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên.

Với người đưa hối lộ cũng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 364 bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù. Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu bị ép buộc đưa hối lộ và người đưa hối lộ chủ động trình báo sự việc với cơ quan chức năng trước khi bị phát hiện thì có thể sẽ được miễn trách nhiệm hình sự.

cuu-bi-thu-dong-nai-bi-bat-vi-nhan-hoi-lo-nguon-goc-khoi-tai-san-khung-hinh-4-1666421369.jpg
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. 

Như vậy, theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành, hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu mức chế tài rất nghiêm khắc, với người nhận hối lộ có thể bị áp dụng mức chế tài cao nhất mà bộ luật hình sự quy định đó là tù chung thân hoặc tử hình. Đối với người đưa hối lộ cũng có thể phải chịu mức hình phạt tới 20 năm tù.

Để khuyến khích hành vi đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm căn cứ đấu tranh với hành vi nhận hối lộ, bộ luật hình sự có quy định là người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi cơ quan chức năng phát hiện thì được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại toàn bộ tài sản đưa hối lộ.

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp khởi tố cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ, tài sản nhận hối lộ sẽ bị thu hồi để sung công quỹ nhà nước. Nếu tài sản này được chuyển hóa thành tài sản khác qua các giao dịch dân sự hoặc qua hoạt động kinh doanh để che giấu nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, người vi phạm còn bị xử lý thêm một tội nữa là tội rửa tiền.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra vụ án này, tất cả những người có liên quan đến hành vi phạm tội sẽ được làm rõ để xác định vai trò là người làm chứng hay vai trò là đồng phạm hoặc có thể thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của các tội danh khác hay không để giải quyết vụ án triệt để, công bằng, đúng pháp luật.

Đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều bị can, đặc biệt là các bị can là người có chức vụ, có địa vị xã hội và việc thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đảm bảo yếu tố khách quan, công bằng, đúng pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay./.