Cuộc sống của chàng trai xương thuỷ tinh Trần Văn Hà sau 3 năm kết hôn với cô vợ xinh đẹp khiến nhiều người tò mò.
Giữa năm 2017, đám cưới đặc biệt của cặp đôi Trần Văn Hà - Lô Thị Giang từng thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng. Trong khi chú rể bị mắc bệnh xương thủy tinh với cơ thể teo tóp, hai chân bị liệt, chỉ nặng vỏn vẹn 21kg, thì cô dâu hoàn toàn bình thường, trẻ trung, xinh đẹp. Song bằng tình yêu chân thành cả hai đã vượt lên sự khác biệt của số phận để yêu thương, viết lên chuyện tình đẹp tựa cổ tích giữa đời thường.
Sau 3 năm kết hôn, vợ chồng Hà-Giang hiện sống trong một căn nhà trọ rộng 30m2 tại thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). Cặp đôi đã có với nhau cô con gái đầu lòng tên Thiên Ân (tên ở nhà là Nhím). Anh Hà đặt tên con với ý nghĩa nhờ ân đức của trời đất đã cho anh được làm bố.
Hơn 3 năm trước, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có một gia đình như thế này. Thỉnh thoảng anh còn gọi vợ là "cô tiên" bởi đã mang đến ánh sáng cho cuộc đời tưởng chừng sẽ mãi tăm tối của mình. “Tôi chưa bao giờ dám mơ ước sẽ có cho mình một tổ ấm nhỏ, vợ đẹp, con ngoan. Thế nhưng Giang là người đã mang đến cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao ấy”, anh Hà tâm sự.
Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến cơ thể anh Trần Văn Hà (SN 1990) không thể phát triển. Mẹ từng bế anh đi khắp nơi chạy thầy chạy thuốc, nhưng lần nào 2 mẹ con cũng quay trở về trong tuyệt vọng. Bại liệt 2 chân, mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều phải phụ thuộc người khác. Đến tuổi cắp sách tới trường, thấy bạn bè tíu tít đi học, Hà không khỏi chạnh lòng. Thương con, hàng ngày mẹ lại cõng anh đứng ngoài cửa lớp.
Với tinh thần hiếu học, nghị lực phi thường Hà đã tự học đọc, học viết, năm 10 tuổi thì đọc thông viết thạo. Sau này, thấy mẹ vất vả, một mình nuôi 3 anh em từ khi bố mẹ ly hôn, anh làm quen với xe lăn rồi đi khắp nơi bán tăm, bông tai, bật lửa... phụ giúp mẹ. Sau 10 năm làm việc tại một cơ sở dành cho người khuyết tật ở Hà Nội, anh trở về quê, tự mày mò học công nghệ để có một công việc ổn định, phù hợp với sức khỏe của bản thân. Hằng ngày, bên chiếc máy vi tính, Hà lại cần mẫn làm công việc của mình. Những cuộc gọi, tin nhắn liên tục, lượng khách tìm đến dịch vụ của anh ngày càng đông.
Tình yêu đến với Hà một cách tình cờ cũng từ công việc này. Cuối năm 2016, Facebook của cô gái Lô Thị Giang (ở huyện Đồng Hợp, Nghệ An) bị tấn công. Được bạn bè giới thiệu, cô gái 17 tuổi khi đó nhờ Hà lấy lại tài khoản cá nhân. Qua vài lần nói chuyện, cả hai thành bạn, rồi dần cảm mến và đem lòng yêu nhau.
Giang lớn lên trong gia đình nghèo khó. Cô phải dừng việc học từ năm lớp 10 để phụ giúp bố mẹ và chăm sóc các em. "Giang trẻ nhưng suy nghĩ rất chín chắn, lại yêu thương gia đình. Em kể chuyện chăm cho em trai bị bệnh từng ly từng tý, nghe mà thấy thương. Vất vả nhưng chưa khi nào thấy Giang kêu khổ", Hà kể.
Lần đầu gặp mặt, Hà ấn tượng vì Giang xinh đẹp, duyên dáng hơn trên ảnh. Còn cô thôn nữ thì vô cùng khâm phục nghị lực của chàng trai khuyết tật.
Cách nhau 2 chục cây số nhưng Hà thường xuyên dùng xe lăn điện đến thăm bạn gái. Đến nhà, anh cũng không nề hà dùng đôi tay nhỏ bé của mình giúp cô rửa bát, giặt giũ. Biết chuyện Hà và mẹ từng vượt hơn 300km từ Nghệ An ra Hà Nội đăng ký hiến xác cho y học, Giang càng trân trọng, cảm mến, bố mẹ cô cũng từ e ngại ban đầu mà hoàn toàn thay đổi thái độ.
Hai người quyết định về chung một nhà vào tháng 5/2017. Hà thuê nhà ở riêng, vì không muốn mẹ thêm vất vả. Chẳng bao lâu, anh được lên chức bố. Thời khắc biết vợ mang thai, anh đã hét lên trong nước mắt, cảm giác hạnh phúc khi đó được Hà diễn tả là "rất phê". Tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng anh. Ngoài việc mở cửa hàng bán gas tại nhà, Hà còn nhận làm các dịch vụ về công nghệ, quảng cáo, Facebook, nhưng thu nhập rất bấp bênh. “Lúc Giang mang bầu, kinh tế gia đình vô cùng eo hẹp. Mình nhớ, có lúc vợ thèm một cốc chè mà mình cũng không có tiền mua. Nhiều khi, ra chợ muốn tẩm bổ cho vợ miếng thịt cũng đành bất lực quay đi. Bản thân mình lúc đó đã quyết tâm bằng mọi giá phải kiếm tiền lo cho vợ con cuộc sống tốt nhất”, Hà tâm sự.
Vậy nhưng sau khi bé Thiên Ân ra đời, nhiều người xấu tính không để cặp đôi được yên. Họ đồn đoán tật nguyền như anh làm sao có con, rằng anh chỉ là người “đổ vỏ”. Một lòng tin vợ, nhưng xót xa cho cô và cũng để con gái lớn lên không phải chịu gièm pha, anh quyết đưa vợ con lên Hà Nội xét nghiệm. Họ thậm chí phải đăng kết quả xét nghiệm ADN lên facebook mới “đập tan” ồn ào dư luận.
Vì thời gian mang thai ăn uống khổ cực, sức khỏe Giang bị ảnh hưởng ít nhiều. Con sinh ra được 7 tháng đã phải cai sữa do mẹ bị bệnh. Hà lại lặn lội một mình đưa vợ ra Hà Nội chạy chữa. Dù vất vả ngược xuôi nhưng anh luôn thể hiện sự độc lập, không nhận sự giúp đỡ của mọi người. Anh muốn dùng câu chuyện của bản thân để truyền sự tự tin, làm chỗ dựa tinh thần cho những người yếu thế trong xã hội. Điều quan trọng hơn cả, anh mong có thể truyền động lực, tinh thần đến con gái nhỏ của mình.
Hơn 3 năm kể từ khi có gia đình, anh luôn cố gắng lo mọi thứ, thậm chí còn nhận nuôi và giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Cách đây không lâu, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà còn quyết định đập lợn đất tiết kiệm hơn 2 năm nay từ tiền mừng tuổi của con gái và trích thu nhập từ việc bảo mật facebook để góp phần phòng, chống dịch. Dù kinh tế không dư giả nhưng vợ chồng anh đã ủng hộ 14 triệu đồng. “Một phần quà nhỏ của mình, hy vọng sẽ có sự lan tỏa, chung tay cùng cộng đồng dập dịch”, anh Hà bày tỏ.
Vẻ kháu khỉnh, đáng yêu của bé Thiên Ân.
Mong ước lớn nhất của anh là con gái hay ăn chóng lớn. Nếu như có điều kiện, anh muốn mở một văn phòng làm việc rộng rãi, khi con gái lớn sẽ cho vợ đi học nghề, tìm một công việc ổn định để có thêm thu nhập./.