Những ngày cuối tháng 6, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là điểm nóng lây lan dịch bệnh với hàng chục ca mắc Covid-19. Sau 2 tháng, nhiều bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được điều trị khỏi bệnh. Trở về địa phương rồi hoàn thành thời gian cách ly, họ đã tuyên truyền cho đồng bào mình về cách phòng chống dịch. Bây giờ, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tự bỏ một số thói quen, tập quán để thiết lập cuộc sống bình thường mới.
Buôn Bầu, Buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh có hơn 1.500 nhân khẩu. Cuối tháng 6/2021, 2 buôn liền kề này là “điểm nóng” của dịch bệnh với 22 ca mắc Covid-19, gần 200 người phải cách ly tập trung, phong tỏa cách ly toàn xã hội khu dân cư hơn 22 ngày. Dịch bệnh bùng phát ở các buôn của đồng bào Ê Đê nên công tác chống dịch ban đầu gặp nhiều khó khăn với cả người dân lẫn chính quyền cơ sở. Huyện Sông Hinh đã khẩn trương khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm rộng để đưa F0 ra khỏi cộng đồng, nhanh chóng khống chế dịch. Đến nay, toàn huyện đã kiểm soát được dịch bệnh và người dân dần thiết lập cuộc sống bình thường mới.
Là một trong số 20 người ở Buôn Ly, xã Ea Trol từng mắc Covid-19 nên anh Ksor Y Phú (41 tuổi) hiểu rõ những lo sợ của mọi người khi phải chống chọi với dịch bệnh. Anh Ksor Y Phú nói, dịch bệnh ập đến, anh được đưa đi điều trị. 23 ngày nằm trong bệnh viện và 21 ngày cách ly tại nhà là khoảng thời gian anh không bao giờ quên. Khi được trở về nhà, anh tích cực tuyên truyền, vận động xóm làng, người thân nêu cao cảnh giác, phòng ngừa dịch bệnh. Anh Ksor Y Phú bảo rằng, đồng bào Ê Đê có thói quen tụ cư, trò chuyện, ăn uống tập thể, có việc gì cũng chia sẻ với cộng đồng, nay mọi người trong buôn phải thay đổi thói quen để phòng chống dịch. “Trước kia còn tụ tập uống, rượu chè, bia bọt. Từ bữa cách ly về đến nhà cũng không tụ tập, nhà ai nấy ở. Dịch bệnh bây giờ không có giao lưu nữa rồi. Cách ly về tuyên truyền bà con, dịch bệnh không tụ tập từ 5 đến 10 người”- anh Ksor Y Phú nói.
Không những anh Ksor Y Phú mà hàng chục người khác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ea Trol từng là F0 điều trị hết bệnh cũng chủ động tuyên truyền phòng chống dịch cho đồng bào mình. Chị Hoàng Thị Quyên, ở Buôn Ly, xã Ea Trol và con gái từng mắc Covid-19. Gia đình có máy xay xát gạo và bán rượu nên khi mới biết mắc bệnh chị Quyên rất sợ hãi vì đã tiếp xúc với nhiều người trước đó. Được điều trị hết bệnh, trở về hòa nhập cộng đồng, chị Quyên vận động bà con khi đến xay xát gạo nghiêm túc chấp hành thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Giờ bệnh đau thì mình cũng không biết, mình bị về như thế thì cũng cách ly tránh xa người ta, nói chung ít tiếp xúc. Lúa má người ta cũng không đến xay. Họ cứ e ngại, sợ mình vẫn còn bệnh. Có nhiều người còn nói mình bệnh trở đi, trở lại miết. Thì nói chung là không thể hạn chế được, có người dân đến xay lúa thì tốt nhất mình cứ đeo khẩu trang cẩn thận”- chị Quyên nói.
Xã Ea Trol, huyện Sông Hinh có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Văn hóa cộng đồng đã gắn chặt trong đời sống của bà con Ê Đê nơi đây. Khi dịch bệnh được kiểm soát, bà con tranh thủ ra đồng thu hoạch và làm nương rẫy. Bây giờ, khi đi ra khỏi nhà người dân đều mang khẩu trang và giữ khoảng cách, xong công việc ngoài đồng là đi thẳng về nhà.
Ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch UBND Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết, hiện nay xã đã xét danh sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lên cấp có thẩm quyền xét duyệt; Hỗ trợ người dân vượt qua lúc khó khăn này. Theo ông Lê Văn Tấn, để đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 khi thiết lập cuộc sống mới, người dân trong buôn đã thay đổi tập quán, tạo cho mình những thói quen mới trong cuộc sống.
“Bà con chấp hành công tác phòng chống dịch theo yêu cầu của chính quyền chấp hành rất tốt. Họ cũng không tổ chức các tập tục, lễ cúng bái và giãn cách xã hội nhiều hơn. F0 thì sau khi điều trị trở về địa phương rồi thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Hiện nay thì họ trở lại bình thường. Những người này thì họ trở thành những người tuyên truyền rất tốt"- ông Tấn cho biết.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, khi thiết lập trạng thái bình thường mới, UBND huyện Sông Hinh yêu cầu từ cấp xã đến thôn, buôn phải hết sức cảnh giác và giữ vững “vùng xanh”, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất: “Qua theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn, cơ bản đã ổn định, cho nên là chúng tôi cũng đã nới lỏng triển khai một số hoạt động trên địa bàn để đảm bảo thực hiện mục tiếp kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống kinh tế cho bà con nhân dân. Đối với các nhà máy, chúng tôi cũng đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch và vận hành hoạt động thông suốt để mà đảm bảo thu mua các hàng nông sản của bà con nông dân đang vào vụ thu hoạch”.
Đến nay, tỉnh Phú Yên chỉ còn 3 xã phường gồm: xã An Chấn, huyện Tuy An; phường 6 và phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Những địa phương còn lại thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đa số các huyện miền núi ở tỉnh Phú Yên đã và đang giữ vững “vùng xanh”. Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, dịch Covid-19 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được kiểm soát, một số địa phương nới lỏng giãn cách, hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới: “Quan trọng là người dân chấp hành tốt các quy định trong phòng chống dịch so với các nơi khác. Điều đó xuất phát từ vấn đề tuyên truyền của địa phương, đây cũng là một tín hiệu tốt. Đặc biệt là ý thức của người dân trong việc chấp hành được nâng cao qua hệ thống tuyên truyền. Quay lại cuộc sống bình thường thì các hoạt động y tế vẫn giữ trạng thái sẵn sàng, các hoạt động xã hội nó mới thay đổi. Ví dụ áp dụng theo Chỉ thị 16 thì siết chặt cái này, cấm cái kia, nhưng khi áp dụng Chỉ thị 15 thì giãn ra bớt”./.