Lý do ông Đinh Nho Hậu - Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh được ưu ái ngồi ghế Cục trưởng hơn hai nhiệm kỳ (trên 10 năm) đến nay vẫn chưa được Tổng cục Thuế trả lời rõ ràng.

Như Báo Điện tử Dân Việt đã thông tin, tính đến ngày 1/3/2020 ông Đinh Nho Hậu đã giữ vị trí Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh tròn 10 năm (2 nhiệm kỳ).
 
Trong khi đó, ngày 19/4/2019 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-BTC về việc quy định danh mục vị trí công tác, luân phiên, luân chuyển vị trí công tác, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác.
 
Đối với các Cục trực thuộc Tổng cục tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, thời hạn phải xem xét điều động sang đơn vị công tác khác đối với vị trí Cục trưởng là không quá 8 năm. Trường hợp có đặc thù phải xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
 
Bên cạnh đó, ngày 7/10/2017 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành quy định số 98-QĐ/TW về luân chuẩn cán bộ.
 
Một trong những đối tượng, chức danh luân chuyển là cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.
 
Chức danh bố trí luân chuyển là cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng 2 nhiệm kỳ liên tục và những cán bộ luân chuyển để thực hiện chủ trương không phải là người địa phương, khi luân chuyển chủ yếu bố trí làm cấp trưởng.
 
Vậy ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh đương nhiệm có thuộc trường hợp “đặc thù” hay không? Nếu có, những “đặc thù” đó là gì, cấp có thẩm quyền nào quyết định đặc thù cho ông Đinh Nho Hậu?
 
Những câu hỏi trên đến nay vẫn chưa được Tổng cục Thuế giải đáp, dù Báo Điện tử Dân Việt đã đặt Giấy giới thiệu liên hệ làm việc, gửi công văn đề nghị phúc đáp.
 
Trao đổi với Dân Việt về quy định luân chuyển cán bộ của Bộ Tài chính, luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay, danh mục vị trí công tác và thời hạn luân phiên, điều động công tác đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 686/QĐ-BTC đã nêu rõ nội dung cần thực hiện.
 
Vị trí Cục trưởng và cấp tương đương tại cục trực thuộc Tổng cục ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thời hạn tại vị không quá 8 năm, tuy nhiên với trường hợp “đặc thù” phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
“Như vậy, theo quy định trên, có thể hiểu rằng, ngoài việc được bổ nhiệm lại và tại vị tối đa 8 năm thì vẫn có thể có trường hợp ngoại lệ tại vị lâu hơn. Nếu như ông Đinh Nho Hậu thuộc trường hợp đặc thù, đã báo cáo cấp có thẩm quyền và được sự đồng ý, cho phép tại vị thì vẫn được coi là thực hiện đúng quy định pháp luật. Còn nếu như ông Hậu không được các cấp thẩm quyền đồng ý và lý do đặc thù nêu ra không phù hợp, coi như vi phạm quy định” – luật sư Tuấn Anh phân tích.
 
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 5 Quy định 98-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ thì điều kiện của cán bộ được luân chuyển phải còn thời gian công tác ít nhất 2 nhiệm kỳ, tức 10 năm tính từ thời điểm luân chuyển (50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ).
 
Ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh sinh năm 1962, tính đến nay đã 58 tuổi, như vậy đối chiếu theo điều kiện, tiêu chuẩn của quy định pháp luật, ông Hậu không đủ điều kiện để thuộc đối tượng bố trí luân chuyển.
 
Tuy nhiên như đã nêu, để có thể đánh giá ông Hậu có vi phạm quy định về việc tại vị quá lâu hay chậm luân chuyển hay không cần phải biết được ông Hậu có nhận được quyết định cho phép tại vị ngoài thời gian 8 năm từ cấp có thẩm quyền hay không.
 
Điều này, Tổng cục Thuế là đơn vị nắm rõ nhất nhưng đến nay chưa thông tin rõ ràng đến cơ quan báo chí.
 
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong vụ việc trên, nếu để xảy ra trường hợp để ông Hậu giữ liên tiếp quá 2 nhiệm kỳ mà không thuộc trường hợp đặc thù được cấp có thẩm quyền phê duyệt kéo dài thời gian tại vị trách nhiệm thuộc Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.
 
Còn trong trường hợp ông Hậu vi phạm quy định, căn cứ khoản 1 Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008 quy định rõ, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như: khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.
 
Điều 38 Luật Báo chí 2016 quy định: “Báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí”.
 
Đồng thời, Luật Báo chí cũng nêu rõ: “Trong phạm vi quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí”.