“Trước khi có đội xe tình nguyện, y bác sĩ thiếu phương tiện di chuyển để truy vết nhanh trên địa bàn, thậm chí có người phải tự chạy xe máy, bám theo xe công cộng của công ty môi trường để đi làm nhiệm vụ” - anh Đặng Ngọc Tính chia sẻ.
"Em muốn giúp nhưng không có xe, anh cho em theo, bốc vác thôi cũng được!"
Anh Đặng Ngọc Tính (46 tuổi, Tân Yên, Bắc Giang) vẫn nhớ như in cái ngày cách đây hơn 2 tuần, khi Bắc Giang phát hiện ca Covid-19 đầu tiên. Nhu yếu phẩm thiếu người vận chuyển vào tâm dịch, đội ngũ y tế thiếu phương tiện di chuyển để truy vết nhanh trên địa bàn. Thậm chí, khi đó, bác sĩ phải tự chạy xe máy, hoặc bám theo xe công cộng của công ty môi trường để đi làm nhiệm vụ.
Hình ảnh nhiều y bác sĩ kiệt sức, ngất khi chống dịch tại Bắc Giang. Ảnh: Facebook.
Trước tình hình ấy, anh Tính cùng 2 đồng đội hội lái xe Bắc Giang 98 đã nhanh chóng đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch tại huyện nhà. "Ban đầu chỉ có 3 xe nên anh em phải thay nhau chạy liên tục 14-15 chuyến. Sau đó khi nhiều người thấy hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, đã có hơn 50 tài xế và 35 đầu xe gọi điện đăng ký. Tất cả đều huy động hết nguồn lực: ô tô, xe tải, xe khách,… Thậm chí có lúc đi đường, có người còn bảo: Em muốn giúp Bắc Giang, nhưng không có xe, anh cho em theo phụ bốc vác thôi cũng được, khiến đội xe xúc động vô cùng".
Đội tình nguyện của anh Tính làm nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm đến các điểm cách ly tập trung, đồng thời đưa y bác sĩ tham gia truy vết dịch Covid-19. Khối lượng công việc nhiều, phải làm việc liên tục dưới cái nắng 37 độ C khiến nhiều tài xế thường xuyên mất nước, không nuốt nổi cơm.
"Nhiều buổi trưa, anh em chụp hình cho mình chỉ có cơm trắng, "sinh tố" nước lọc nhưng vẫn làm việc hăng say, khiến mình thấy nể phục vô cùng…" - anh Tính chia sẻ.
Trước tình hình dịch trên địa bàn, anh Tính cùng các anh em tài xế đã tham gia tình nguyện giúp đỡ người dân, y bác sĩ. Làm việc bất kể ngày đêm, ăn uống tạm bợ, nhưng ai cũng đều vững ý chí.
Từ ngày bắt đầu công việc hỗ trợ đội ngũ y tế, bất kể ngày đêm, chỉ cần một cuộc gọi, đội xe lại xuất phát. Anh Tính kể vui, công việc phải ở chung xe, chạm mặt, thế nhưng đến nay đội xe và bác sĩ có khi chưa biết mặt nhau.
"Có anh bác sĩ tên Hiên, trực tiếp gọi điện cho mình điều xe đi lấy mẫu xét nghiệm từ ngày đầu tiên, nhưng cả hai chỉ biết mỗi tên nhau. Cả ngày mặc quần áo bảo hộ, bên trên thì đeo kính chắn bọt, anh em nhìn nhau thì chỉ dám cười chào cảm ơn nhau thôi" - anh Tính kể.
"Cụ chỉ có quả đu đủ, các con đi tình nguyện thì mang cho công nhân đang cách ly giùm cụ"
Thời điểm Việt Yên phát hiện hàng trăm ca dương tính tại 3 KCN lớn, toàn bộ công nhân trên địa bàn đều buộc phải tham gia cách ly, ở yên trong các xóm trọ, đời sống sinh hoạt vô cùng khó khăn.
Trước tình hình đó, anh Nguyễn Văn Quý (40 tuổi, công nhân) đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ. "Hầu hết tất cả thành viên CLB Tâm Đức đều xuất phát là công nhân, kinh tế không khá giả gì nhưng vẫn hết lòng. Lúc nhu yếu phẩm mì tôm, gạo cho công nhân đủ, nhưng lại thiếu rau quả xanh, anh em đã tức tốc đi tìm các chủ ruộng rau lớn xin để hái về cho công nhân" - anh Quý kể lại.
CLB Tâm Đức tham gia thu hoạch, vận chuyển rau đến cho công nhân ở các khu cách ly, xóm trọ, và bệnh viện.
CLB Tâm Đức chia làm 2 nhóm, một nhóm đăng thông tin lên mạng xã hội nhằm kết nối các mạnh thường quân, nhóm còn lại thì đến từng nhà, vận động người dân quyên góp rau quả cho khu cách ly. Ngay lập tức, điện thoại của chị Nguyễn Thị Hà (32 tuổi, tình nguyện viên) nhận những cuộc gọi đầu tiên.
"Alo! Nhà cô có 8 luống rau cải, cô xin quyên góp nhưng không thể thu hoạch được, các cháu đến giúp cô…"
Nghe xong, chị Hà cùng 4 anh chị em công nhân lên đường hướng về thôn Đông Long. Giữa cái nắng 37 độ C, tất cả đều làm việc hăng say, hơn nửa ruộng rau đã nhổ nhanh chóng được chuyển về điểm tập kết, phân chia rồi giao tận cửa những xóm trọ, khu cách ly, bệnh viện… Công việc kết thúc thì trời đã chập choạng tối.
""Có cô bác cho ruộng ớt, ruộng bắp, bí,… anh em lại chạy đi thu hoạch..."
Anh Quý chia sẻ, giữa lúc tâm dịch căng thẳng cực độ, anh lại càng trân quý hơn cái tình người Bắc Giang.Theo đó, từ khi CLB đứng ra kêu gọi thu hoạch rau cho công nhân, điện thoại gần như không ngừng nghỉ.
"Có cô bác cho ruộng ớt, ruộng bắp, bí,… anh em lại chạy đi thu hoạch. Thậm chí nhiều hôm các cụ già thấy đoàn đi ngang qua thì chặn lại, bảo: Cụ không có gì, nhà còn quả đu đủ, nghe bảo các cháu đi tình nguyện nên gửi vào cho công nhân ở khu cách ly giùm cụ…"
Cùng thời điểm đó, tại TP. Bắc Giang, anh Nguyễn Tuấn Anh (41 tuổi) vẫn tất tất bật với công tác đưa đoàn y bác sĩ đi truy vết trên địa bàn. Từng là một giám đốc điều hành một công ty du lịch, thế nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng lên, anh Tuấn Anh làm trở thành một lái xe kiêm bốc vác.
Suốt hơn 10 ngày tham gia chống dịch, ấy là thời gian anh Tuấn Anh chưa trở về nhà.
Suốt hơn 10 ngày tham gia chống dịch, ấy là thời gian anh chưa được trở về nhà. "Một ngày chạy 10, 15 chuyến, về đến nơi nghỉ thì đã quá nửa đêm. Nhưng đổi lại tôi thấy vui vì được giúp đỡ mọi người.
Chẳng hạn hôm nay, khi tôi chở đồ quần áo cá nhân, băng vệ sinh tới khu cách ly cho chị em phụ nữ, họ mừng lắm! Càng túng thiếu, cái tình cảm càng nhiều, chỉ mong hết dịch, Bắc Giang được yên bình…" - anh Tuấn Anh cười.