Từ 5/8, ngoài việc phát hiện, xử phạt trực tiếp các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện, CSGT còn tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Nhiều trường hợp vi phạm được phát hiện
Tối 11/8/2020, trên mạng xã hội xuất hiện video clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một thanh niên điều khiển xe mô tô BKS 37L1 - 382.54 chở một người ngồi sau, cả 2 đều không đội mũ bảo hiểm, dùng 2 chân điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, cười nói "thách thức" trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Sau khi đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc trước hành vi coi thường pháp luật của nam thanh niên này. Hành vi trên không chỉ vi phạm TTATGT mà còn gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông khác.
Nam thanh niên điều khiển xe mô tô chở một người ngồi sau, cả hai không đội mũ bảo hiểm, dùng 2 chân điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, cười nói "thách thức" trên Quốc lộ 1A vào tối 11/8. Hình ảnh được quần chúng nhân dân gửi đến Fanpage "Công an huyện Quỳnh Lưu". Ảnh tư liệu CTV
Căn cứ vào các video, hình ảnh được quần chúng nhân dân gửi đến, khoảng 8 giờ sáng 12/8/2020, Công an huyện Quỳnh Lưu đã xác định và triệu tập trường hợp vi phạm lên trụ sở Công an huyện để làm việc.
Theo đó, đối tượng điều khiển xe máy bằng chân được làm rõ là N.A.T (SN 2006) ở xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu). Tối 11/8, T. cùng nhóm bạn đi chơi và T. đã “biểu diễn” để bạn ghi lại. Tại cơ quan công an, N.A.T đã thừa nhận hành vi vi phạm và viết bản tường trình, cam kết không vi phạm. Công an huyện Quỳnh Lưu đã lập biên bản vi phạm hành chính, củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào trưa 10/8/2020, trên mạng xã hội cũng xuất hiện một đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một nhóm thanh niên đi trên 3 xe máy, không đội mũ bảo hiểm, liên tục rồ ga, lạng lách đánh võng trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Diễn An, huyện Diễn Châu). Thậm chí, có xe còn quay đầu lại, đi ngược chiều gây nguy hiểm cho các phương tiện khác ở phía sau. Sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận tỏ rõ thái độ phẫn nộ trước hành động của nhóm thanh niên nói trên.
Căn cứ vào các video, hình ảnh được quần chúng nhân dân gửi đến, Công an huyện Diễn Châu đã tập trung huy động lực lượng cảnh sát giao thông và Công an các xã liên quan tiến hành điều tra xác minh và triệu tập 7 thanh niên, gồm: Đặng Đình Hiếu (SN 2002), Phạm Văn Đại (SN 2003) cùng trú tại xã Diễn Thịnh, Cao Trọng Hồi (SN 2005), trú tại xã Diễn Lộc, Cao Ngọc Long (SN 2000), trú tại xã Diễn An, Hồ Văn Phúc, Nguyễn Văn Long (cả hai SN 2004), cùng trú tại xã Diễn Phú và 1 đối tượng tên là Huy trú tại xóm 14, xã Diễn Phú (đối tượng này đang đi khỏi nhà không đến trình diện).
Công an Diễn Châu đã lập biên bản hành chính xử phạt các đối tượng về các hành vi vi phạm ATGT với tổng số tiền 19.325.000 đồng, tạm giữ 3 xe mô tô. Cùng với đó, tiếp tục xét nghiệm chất ma túy đối với các đối tượng, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.
Sẵn sàng tiếp nhận để xử lý nghiêm
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Trong đó, có quy định từ ngày 5/8/2020, ngoài việc phát hiện, xử phạt trực tiếp các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, CSGT còn tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. - Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội trưởng Đội xử lý Phòng CSGT (Công an tỉnh)
Sau khi có quy định, phòng đã triển khai tới lực lượng CSGT tại các địa phương, đội, trạm thực hiện. Theo Trung tá Tuấn, với thực tế hệ thống camera phạt nguội không thể phủ sóng tới tất cả các tuyến đường thì quy định này góp phần nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đồng thời cũng hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng hình thức phạt nguội khi lực lượng CSGT chưa kịp có mặt.
Đặc biệt, với quy định này sẽ nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông khi không chỉ bị giám sát bởi lực lượng CSGT, mà còn bị sự giám sát của cộng đồng.
Là địa phương đã tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm do người dân gửi đến, Trung tá Võ Thế Quyền - Phó trưởng Công an huyện Diễn Châu cho biết: Việc cung cấp thông tin vi phạm đến lực lượng chức năng vừa thể hiện trách nhiệm công dân, vừa lập lại trật tự, an toàn giao thông.
Ngay cả với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy, khi được người dân cung cấp thông tin, các clip từ camera hành trình, camera an ninh của gia đình đã giúp ích rất nhiều cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc xác minh, làm rõ phương tiện và người điều khiển. Bởi vậy, để có căn cứ xác minh, hình ảnh phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng...
Tài xế Trần Văn Bình (SN 1986), trú ở xã Phú Sơn (Tân Kỳ) - người dùng khuỷu tay vừa lái xe khách vừa ăn mỳ tôm. Ảnh cắt từ clip
Ông Phan Huy Chương - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho rằng: Không phải lúc nào CSGT, TTGT cũng giám sát được 24/24h, bởi vậy, thông tin phản ánh vi phạm trật tự ATGT do người dân cung cấp sẽ giúp lực lượng chức năng có căn cứ xử lý. Ông Chương cũng cho biết: Chính thông qua hình ảnh do hành khách ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội, đơn vị này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế Trần Văn Bình (SN 1986), trú ở xã Phú Sơn (Tân Kỳ) - người dùng khuỷu tay vừa lái xe khách vừa ăn mỳ tôm.
Ngoài quyết định của Thanh tra Sở GTVT Nghệ An, tài xế này bị tước Giấy phép lái xe 2 tháng và xử phạt 1,5 triệu đồng, hợp tác xã cổ phần Dịch vụ vận tải hành khách Nghệ An nơi tài xế Bình làm việc, cũng đã có quyết định tạm đình chỉ 3 tháng đối với lái xe Trần Văn Bình kể từ ngày 6/8/2020.
Không chỉ phía lực lượng chức năng, người dân cũng ủng hộ quy định này với hy vọng qua đó nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện, giảm thiểu TNGT.
Bà Nguyễn Thị Hiền, ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho biết: Tôi đồng tình với quy định mới này. Từ nay trên cơ sở những chứng cứ cụ thể, mong rằng lực lượng chức năng sẽ xử lý thật nghiêm minh với những ai xem thường Luật Giao thông.
Nhóm đối tượng không đội mũ bảo hiểm, liên tục rồ ga, lạng lách đánh võng trên Quốc lộ 1A vào trưa 10/8 bị triệu tập tại Công an huyện Diễn Châu. Ảnh: CADC
Như vậy, có thể thấy quy định mới này sẽ nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với các hoạt động có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đồng thời hỗ trợ lực lượng CSGT trong việc kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm bằng hình thức phạt gián tiếp.
Bởi vậy, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho việc gửi dữ liệu, thông tin, hình ảnh phương tiện vi phạm; có hình thức khuyến khích, khen thưởng cho người cung cấp những thông tin có giá trị... ngành chức năng cũng cần có giải pháp xử lý triệt để tình trạng xe không sang tên, đổi chủ để phạt đúng người. Bởi nếu tình trạng “xe không chính chủ” không được giải quyết, rõ ràng việc xử lý mới chỉ hướng đến chủ xe, chứ chưa hẳn tìm đúng người trực tiếp gây ra hành vi vi phạm.
Theo quy định, việc người dân cung cấp thông tin, hình ảnh về trường hợp người vi phạm sẽ được cơ quan chức năng bảo mật hoàn toàn. Đồng thời người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin đã cung cấp. Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả, cắt ghép sẽ được chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.