Tin tức dịch Covid-19 ngày 19/7 tại TP.HCM: Sáng nay, cả nước ghi nhận thêm 2015 ca mắc mới, trong đó TP.HCM có 1.535 bệnh nhân.

Sáng 19/7, ghi nhận 2.015 ca mắc mới ở 20 tỉnh, thành phố; trong đó 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa. Riêng TP.HCM ghi nhận thêm 1.535 bệnh nhân mới.

Bộ Y tế thông tin, qua một đêm, tính từ 19h30 ngày 18/7 đến 6h ngày 19/7 có 2.015 ca mắc mới (BN53831-55845) gồm:

Covid-19 TP.HCM hôm nay 19/7 mới nhất
Sáng 19/7, TP.HCM thêm 1.535 bệnh nhân dương tính mới

2.014 ca ghi nhận trong nước trong đó 1.688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Cụ thể:

1.535 ca ghi nhận tại TP.HCM: 1.346 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 189 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.

215 ca ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: 123 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 92 ca đang điều tra dịch tễ.

74 ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai: 33 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 32 ca liên quan đến Công ty tại huyện Vĩnh Cửu; 9 ca đang điều tra dịch tễ.

41 ca ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long: 30 ca liên quan đến Công ty tại huyện Long Hồ; 11 ca đang điều tra dịch tễ.

30 ca ghi nhận tại tỉnh Bến Tre: 20 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 3 ca liên quan đến chợ P5; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 6 ca đang điều tra dịch tễ.

25 ca ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: 21 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu phong toả; 4 ca đang điều tra dịch tễ...

TP.HCM tạm ngưng hoạt động 16 doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao

Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (TP Thủ Đức) vừa ban hành công văn tạm dừng hoạt động đối với 16 doanh nghiệp trong khu vực để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Quyết định trên được đưa ra dựa trên kết quả kiểm tra, và thẩm định của 5 tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thực hiện.

Đại diện Khu công nghệ cao cho biết, các doanh nghiệp này phải tạm ngưng hoạt động để khắc phục các yêu cầu cần thiết. Nếu các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chống dịch sau đó thì sẽ được hoạt động trở lại.

Trước đó, để thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế, Thành phố đã ban hành Quyết định số 2337/UBND-TH phát hành ngày 13/07/2021, trong đó chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn khi đảm bảo doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung nhân viên từ nơi sản xuất đến nơi ở.

Nếu các doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ phải ngưng hoạt động từ 15/7 cho đến khi có yêu cầu mới.

Trước các quy định mới này, nhiều doanh nghiệp công nghệ tại TP.HCM đã dựng lều bạt tại trụ sở, chuẩn bị hàng hoá thiết yếu cho nhân viên làm việc tại chỗ.

Dốc lực điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

Tính đến hết ngày 18/7, TP.HCM có hơn 32.600 bệnh nhân dương tính Covid-19 đang điều trị, hơn 250 ca nặng và 189 bệnh nhân tử vong. TP một mặt mở rộng quy mô giường cho F0, đồng thời tập trung nhân vật lực, trang thiết bị y tế để điều trị bệnh nhân nặng.

Trước tình hình ca bệnh F0 tăng lên từng ngày, TP.HCM đã chuẩn bị 45.000 - 50.000 giường bệnh để thu dung, điều trị. Song song đó, Sở Y tế TP.HCM đã có kịch bản chuẩn bị giường hồi sức tại các bệnh viện (BV) quận, huyện, BV đa khoa, BV chuyên khoa, BV điều trị Covid-19, như BV Covid-19 Trưng Vương, BV Thủ Đức mỗi đơn vị 100 giường, BV Phạm Ngọc Thạch 60 giường...

Đặc biệt là 1.000 giường tại BV Hồi sức Covid-19 (trưng dụng cơ sở 2 của BV Ung bướu TP.HCM), 200 giường hồi sức tại BV Bệnh nhiệt đới; BV Chợ Rẫy cũng sẵn sàng 200 giường hồi sức, hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân nặng.

“BV Bệnh nhiệt đới có 400 giường, được Sở Y tế phân công 200 giường hồi sức, dành cho bệnh nhân từ thở ô xy trở lên. Hiện BV đã nhận 180 ca, gần như đã đầy. Để chăm sóc điều trị cho 180 bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn và bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc trẻ em cũng phải tham gia”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết.

Ông Vĩnh Châu nhận định việc ra đời BV 1.000 giường hồi sức sẽ giảm tải cho các BV đang hoạt động tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.

Để vận hành BV Hồi sức Covid-19, việc điều động con người, trang thiết bị do Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM và Sở Y tế cùng thực hiện. Về điều hành hoạt động, giao cho BV Chợ Rẫy.

Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, hiện BV đang điều trị 70 bệnh nhân nguy kịch và 120 bệnh nhân nặng.

Covid-19 TP.HCM hôm nay 19/7 mới nhất
Khu điều trị các bệnh nhân nặng

Qua tuần sẽ mở rộng giai đoạn 1 để nhận 100 bệnh nhân nguy kịch, 360 bệnh nhân nặng và từng bước mở công suất đạt 1.000 giường hồi sức.

Để hoạt động BV Hồi sức Covid-19 quy mô lớn nhất nước này, Sở Y tế giao BV Chợ Rẫy phụ trách 29 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân 115 với 44 giường hồi sức tích cực, 300 giường nặng; BV Nhân dân Gia Định 20 giường hồi sức tích cực và 300 giường nặng...

“Hiện tại BV Hồi sức Covid-19 đã có 564 nhân sự của BV Chợ Rẫy, Nhân dân 115 và Nhân dân Gia Định, y bác sĩ từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng và Thanh Hóa. Trong đó có 168 bác sĩ (70 bác sĩ hồi sức); 350 điều dưỡng (69 có khả năng hồi sức).

Ngoài ra còn có đội ngũ nhân viên y tế xét nghiệm, X-quang, hậu cần...

Theo Sở Y tế, TP.HCM chia 4 cấp độ điều trị F0: Cấp độ 1 là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ; cấp độ 2 là F0 thở ô xy; cấp độ 3 là F0 thở ô xy dòng cao (HFNC) và cấp độ 4 là F0 thở máy xâm nhập, ECMO và lọc máu liên tục. Để các BV điều trị bệnh nhân cấp độ 3, 4 đủ lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, TP.HCM thành lập tổ điều phối bệnh nhân Covid-19 nặng để hội chẩn, đánh giá và điều phối chuyển viện theo từng cấp độ.

Lập 7 tổ công tác đặc biệt chống dịch tại phía Nam

Thủ tướng yêu cầu 7 Bộ trưởng lập ngay tổ công tác đặc biệt của từng đơn vị tại TP.HCM để hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống Covid-19.

Covid-19 TP.HCM hôm nay 19/7 mới nhất
TP.HCM đang ưu tiên nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Zing

Tối 18/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có văn bản gửi 7 Bộ trưởng gồm: Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Để hỗ trợ, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Thủ tướng đề nghị 7 Bộ trưởng nêu trên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của từng bộ tại TP.HCM.

Các tổ công tác này do một thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp với các địa phương phía Nam, nhất là tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16, giải quyết ngay vấn đề phát sinh trong phòng chống dịch và các vấn đề liên quan; hàng ngày báo cáo Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, kịp thời kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền.

"Đây là nhiệm vụ, công việc rất quan trọng, cấp bách. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tập trung chỉ đạo thực hiện, sớm phát huy hiệu quả, vai trò của tổ công tác đặc biệt trong công tác phòng chống dịch tại TP.HCM và các địa phương phía Nam", văn bản nêu.

Trước đó từ giữa tháng 6/2021, Bộ Y tế đã thành lập Bộ phận thường trực đặc biệt tại TP.HCM, do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đứng đầu, để hỗ trợ thành phố chống dịch.

Hai tàu cao tốc chở 40 tấn rau củ từ miền Tây về TP.HCM

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP cho biết, 7h sáng 19/7, 2 tàu cao tốc của đơn vị đã đi từ bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) đến bến phà Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre và Tiền Giang) để vận chuyển 40 tấn rau, củ về TP.HCM.

"Chúng tôi đã chuẩn bị 5 tàu cao tốc với khả năng vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về TP.HCM", ông Hải nói.

Covid-19 TP.HCM hôm nay 19/7 mới nhất
Những chiếc tàu cao tốc du lịch được chuyển đổi để chở rau, củ từ các tỉnh miền Tây về TP HCM.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đã xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy từ các tỉnh ĐBSCL về TP.HCM và ngược lại trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tàu cao tốc sẽ đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng (TP.HCM) và ngược lại.

Lộ trình di chuyển: Đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → Sông Sài Gòn → Bến Bạch Đằng và ngược lại.

Phương tiện thủy phục vụ vận chuyển là 5 tàu cao tốc (SG-7990, SG-8063, SG-8231, SG-8278, SG-8373), sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/tàu.

Chi phí vận chuyển do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP thỏa thuận với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hóa.

Sở GTVT TP.HCM quy định tàu phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định.