Thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc Covid-19 và 190.392 ca tử vong. Trong đó Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong.
 
Theo dữ liệu của Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 24/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 2.714.747 trường hợp, trong đó 190.392 trường hợp tử vong. Số ca phục hồi là 744.886. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
Mặc dù số ca mắc mới và tử vong có liên quan đến Covid-19 trên thế giới vẫn tăng cao nhưng tốc độ lây lan đã chậm lại đáng kể so với trước.
 
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 30.062 ca mắc và 2.092 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 878.779 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 49.751 trường hợp. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã ký sắc lệnh hoãn bớt việc nhập cư vào Mỹ, mà theo ông là nhằm bảo vệ việc làm trong nước trong thời gian dịch bệnh. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 60 ngày và nhắm vào những người xin thẻ xanh, trong khi những lao động thời vụ vẫn được phép vào Mỹ. 
 
Tại châu Âu, nhìn chung tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng giảm khi các quốc gia ghi nhận số ca tử vong dưới mốc 1.000. Ở một số nước như Italy và Tây Ban Nha sau thời gian lên đến đỉnh, dịch bệnh đang diễn biến chậm lại.
 
Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 gần đã lên tới 213.024 sau khi nước này ghi nhận thêm 4.635 trường hợp trong ngày 23/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 25.549 sau khi ghi nhận thêm 464 trường hợp. Quốc hội nước này đã bỏ phiếu phê chuẩn việc gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 đến ngày 9/5, kéo dài sắc lệnh “ở trong nhà” lên tới 8 tuần. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cảnh báo, việc trở lại trạng thái bình thường cần phải “chậm rãi, từ tốn và đảm bảo tính an toàn”.
 
Italy ghi nhận thêm 2.646 ca mắc mới và 464 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại nước này hiện tại là 189.793 trong đó có 25.549 ca tử vong. Số ca tử vong tại Italy hiện đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Để ngăn chặn dịch bệnh, nước này đã gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5.
 
Số ca mắc Covid-19 tại Đức là 153.129 trường hợp. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.581 ca mắc mới và 260 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này lên 5.575. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nước này có nguy cơ phung phí những lợi ích đã đạt được trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nếu mở cửa quá nhanh.
 
Chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang tại Đức thời gian gần đây đã nhất trí về một loạt các biện pháp nhằm nới lỏng một số biện pháp giới hạn đã được thực thi để chống Covid-19, trong đó có việc cho phép các cửa hàng nhỏ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng hạn chế, nhiều người dân đã đổ xô đi mua sắm và vào các khu vực dành cho người đi bộ, khiến các nhà virus học hàng đầu của Đưucs một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.
 
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 23/4 là 158.183 sau khi ghi nhận thêm 2.239 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 516 nâng tổng số ca tử vong lên 21.856. Pháp đang chuẩn bị cho giai đoạn 2 ứng phó với dịch Covid-19 mà "không biết sẽ kéo dài trong bao lâu", đồng thời lưu ý, chiến lược xét nghiệm, cách ly và hỗ trợ y tế phải tránh được sự bùng phát của làn sóng dịch mới.
 
Trong 24h qua, nước Anh có 638 bệnh nhân tử vong. Tổng cộng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh đã lên 18.738 tới người, cao thứ 5 thế giới. Số ca mắc mới là 4.583 và tổng cộng đã có trên 138.078 người nhiễm bệnh.
 
Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 87.026 sau khi ghi nhận thêm 1.030  trường hợp trong ngày 23/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 5.481 trường hợp. Tình hình tại Iran đặc biệt nghiêm trọng do nền kinh tế của nước này đang bị suy yếu, 1 phần là do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và sự thiếu hụt vật tư y tế. Iran hối thúc Quỹ Tiến tệ Quốc tế cho vay 5 tỷ USD để giúp quốc gia này đối phó với dịch Covid-19.
 
Nga ghi nhận thêm 4.774 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số người nhiễm bệnh cao kỷ lục trong 1 ngày tại Nga, đưa tổng số người nhiễm bệnh ở Nga lên 62.773 trường hợp, trong đó có 555 ca tử vong. Số ca nhiễm mới ở Nga bắt đầu tăng vọt kể từ cuối tháng 3. Nga đang thực hiện các biện pháp kiểm dịch trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của dịch bệnh này như kéo dài ngày nghỉ được trả lương đến ngày 30/4 để khuyến khích mọi người ở nhà.
 
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á có diễn biến phức tạp.
 
Hàn Quốc hiện ghi nhận 8 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 10.702 ca, trong đó có 240 ca tử vong. Số ca mắc tại quốc gia này đã giảm đáng kể, chỉ ở mức 1 con số.
 
Còn tại Nhật Bản hiện đã có tổng số 11.950 ca mắc, trong đó có 299 người tử vong.  Bệnh viện Đại học Keio cảnh báo có một số lượng bệnh nhân nhất định bị nhiễm SARS-Cov-2 nhưng không có triệu chứng bệnh ở ngoài cộng đồng và cảnh báo cơ quan chức năng và người dân cần có biện pháp phòng chống cần thiết.
 
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.798, trong đó có 4.632 người tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới. Tuy nhiên, sau 1 thời gian trầm lắng, nước này đã bắt đầu cảnh báo về nguy cơ “làn sóng thứ 2” dịch Covid-19 khi số ca nội địa và ngoại nhập bắt đầu gia tăng.
 
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã trở thành ổ dịch lớn nhất khu vực.
 
Trong 24 giờ qua, Singapore  có thêm 1.037 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Singapore hiện ghi nhận tổng cộng 11.178 ca nhiễm, trong đó 12 người đã tử vong. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố gói giải pháp "ngắt mạch" để ngăn chặn Covid-19 lây lan sẽ được gia hạn đến 1/6, trong khi các quy tắc hiện hành được thắt chặt hơn trong hai tuần tới. Nhà lãnh đạo Singapore cũng cho biết, chính phủ sẽ gia tăng nguồn lực y tế và triển khai thêm nhân viên y tế tới các khu ký túc xá để đảm bảo người lao động mắc Covid-19 được điều trị “phù hợp và kịp thời”.
 
Indonesia ghi nhận thêm 357 ca nhiễm và 12 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.775 và 647. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết sẽ cấm các đợt di chuyển lớn trên khắp đất nước, khi mọi người rời thành phố để trở về quê hương sau tháng lễ Ramadan. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc cho phép hàng triệu người tại quốc gia này đi lại có thể đẩy nhanh tốc độ lây lan của dịch bệnh. Thống đốc thành phố Jakarta cũng tuyên bố gia hạn các hạn chế xã hội trên diện rộng thêm bốn tuần nữa, kéo dài đến ngày 22/5.
 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/4 cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định phần lớn các nước vẫn ở giai đoạn đầu ứng phó dịch. Theo WHO, dịch bệnh đang thuyên giảm tại các quốc gia Tây Âu, nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung, Nam Mỹ và Đông Âu.