Tháng 11 năm 2015, HAGL và Mito Hollyhock đạt thoả thuận về việc đội bóng Nhật Bản sẽ mượn Công Phượng trong vòng 1 năm từ đại diện phố Núi. Đó là chuyến xuất ngoại nhận được nhiều kỳ vọng cho cầu thủ ấy cũng như bóng đá nước nhà bởi tiền đạo sinh năm 1995 là một trong những cái tên sáng giá nhất thời điểm đó.

Ngoài ra, môi trường J.League 2 - giải đấu hạng nhì ở Nhật Bản được xem là phù hợp để Công Phượng có thể toả sáng. Tuy nhiên, những gì diễn ra tại đất nước mặt trời mọc không giống như điều mà các cổ động viên đợi chờ.

Tại đất nước xứ sở hoa anh đào, Công Phượng không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Tiền đạo ấy gặp khó khăn trong việc hoà nhập cũng như cạnh tranh suất đá chính. Vì vậy, suốt 1 năm tại Nhật Bản, chân sút xứ Nghệ chỉ có vỏn vẹn 5 lần ra sân và tất nhiên, chưa có bất cứ pha lập công nào.

cong-phuong-tuan-anh-6-nam-de-khang-dinh-voi-nhat-725x0-1648450664.jpeg
Công Phượng thi đấu không thành công khi xuất ngoại sang Nhật 

Vậy là Phượng trở về HAGL trong sự nuối tiếc của rất nhiều cổ động viên bóng đá nước nhà. Dù thế, với bản thân cầu thủ này, anh coi chuyến xuất ngoại năm đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa. Công Phượng từng khẳng định với truyền thông:

“Tôi cảm thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều sau một thời gian ở Nhật. Chẳng hạn như về ý thực tập luyện và thi đấu. Đặc biệt, tôi nhận thấy thể lực của mình hiện nay tốt hơn rất nhiều so với trước đây, bởi cường độ tập luyện và thi đấu ở Nhật rất cao”.

Quả thực, dù ít được ra sân thi đấu song việc có điều kiện tập luyện trong môi trường bóng đá được xem là số 1 Á châu cũng giúp cho ngôi sao của HAGL phát triển rất nhiều về bản thân mình. Đó là những giá trị tuyệt vời mà Công Phượng đã tích luỹ được sau chuyến xuất ngoại năm ấy.

Nhưng chàng tiền đạo sinh năm 1995 không phải là người duy nhất của HAGL từng thi đấu tại Nhật Bản. Cũng trong năm 2016, Tuấn Anh - cầu thủ khác trưởng từ lò đào tạo HAGL JMG được tạo điều kiện để sang thi đấu cho Yokohama cũng tại J.League 2.

cong-phuong-tuan-anh-6-nam-de-khang-dinh-voi-nhat-1-725x0-1648450693.png
Tuấn Anh cũng trải qua cảm giác đó

Song, “số phận” của chàng tiền vệ gốc Thái Bình cũng không khác là bao so với người đồng đội Công Phượng. Ở đội bóng mà tuyến giữa vốn đã quá chật chội khi luôn có từ 8-10 tiền vệ trong đội hình, Tuấn Anh đã không thể cạnh tranh một vị trí chính thức. Anh rời đất nước xứ sở hoa anh đào cũng trong niềm nuối tiếc.

Tuy không có nhiều cơ hội thể hiện bản thân song quả thực, chuyến đi tới Nhật Bản đã mang đến nhiều điều thú vị và giúp cho cả Công Phượng lẫn Tuấn Anh trường thành. Điều ấy giúp cho họ có thể toả sáng trong màu áo HAGL lẫn tuyển quốc gia ở nhiều giải đấu đã qua.

Ngoài ra, chính những chuyến xuất ngoại của bộ đôi ấy mở ra thêm nhiều động lực để các cầu thủ Việt Nam thêm quyết tâm ra nước ngoài thi đấu và chinh phục những thử thách trong sự nghiệp của mình.

6 năm đã trôi qua kể từ lần gần nhất Tuấn Anh hay Công Phượng đến với đất nước Nhật Bản. Giờ đây, cả hai đều có nhiều sự trưởng thành so với năm 2016 và họ sẽ mang theo ý chí đó tới trận cầu diễn ra ngày 29/3.

c-1648450723.jpeg
Giờ đây, họ sẽ quyết tâm khẳng định bản thân với người Nhật trong lần gặp lại 

Có thể vào thời điểm hiện tại, hai cái tên kể trên không phải là những cầu thủ được kỳ vọng nhất nhưng họ hiểu về bóng đá Nhật Bản đồng thời khao khát hơn ai hết mong muốn chứng minh, khẳng định bản thân mình với những cổ động viên tại xứ sở hoa anh đào.

Vì thế, rất có thể vào ngày 29/3 tới đây tại Saitama, họ sẽ là những nhân vật chính chứ không phải là bất kỳ ai khác. 6 năm trước, Công Phượng cùng Tuấn Anh rời Nhật Bản trong nuối tiếc và có lẽ cả nỗi buồn nhưng 6 năm sau, họ hoàn toàn có thể “chia tay” xứ sở hoa anh đạo với sự hạnh phúc, ngạo nghễ và niềm vui.

Đó cũng là điều mà mọi cổ động viên bóng đá nước nhà đang rất chờ đợi vào thời điểm này./.