Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân trên địa bàn TP. Vinh nói chung và đời sống người lao động nói riêng. Ngay từ giai đoạn đầu của dịch, các cấp Công đoàn Nghệ An đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình sáng tạo, thiết thực, phù hợp với vai trò của tổ chức, góp phần phòng, chống dịch và giảm thiểu tác động của dịch. Những hoạt động này không chỉ thể hiện sự chung tay với toàn hệ thống chính trị mà còn thể hiện sự đồng hành, chia sẻ kịp thời với khó khăn của người lao động và doanh nghiệp.
Trong thực hiện hoạt động, các cấp Công đoàn Nghệ An đã tìm tòi nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Bên cạnh nguồn kinh phí của đơn vị, công đoàn huyện, ngành đã huy động nhiều nguồn kinh phí khác để tối ưu hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Những chương trình như “Bếp ăn công đoàn”, “Chuyến xe nghĩa tình”, trao quà cho công nhân lao động tại khu nhà trọ, tại khu cách ly, hỗ trợ công nhân “3 tại chỗ”... không chỉ chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động khó khăn mà còn lan tỏa những thông điệp nhân văn, tích cực trong cộng đồng. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch đa dạng với nhiều hình thức như clip, khung đại diện, infographic, thi trực tuyến...
Theo khảo sát, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 152 doanh nghiệp thực hiện mô hình "3 tại chỗ” với 16.300 CNLĐ tham gia; Có 48 doanh nghiệp thực hiện mô hình "1 cung đường 2 điểm đến” với 13.882 CNLĐ tham gia; 17 doanh nghiệp thực hiện cả 2 mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm” đến với 4.425 CNLĐ tham gia; 176 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do đợt dịch lần thứ 4 với 12.097 CNLĐ tạm ngừng việc; 7.069 lao động có hợp đồng từ miền Nam trở về do dịch Covid-19, nhiều F0, F1 và các đối tượng bị cách ly vẫn chưa được hỗ trợ...
Mặc dù những hoạt động phòng, chống dịch được triển khai kịp thời trên mọi phương diện, nhưng trước diễn biến chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Ở nhiều đơn vị áp dụng “3 tại chỗ”, doanh nghiệp lẫn công nhân còn nhiều lúng túng; Nhiều F0, F1 là gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn, phải đi điều trị và cách ly trong khi thu nhập không có; Nhiều công nhân trong các khu nhà trọ, khu phong tỏa cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm; Hơn 7.000 công nhân lao động có hợp đồng từ miền Nam trở về hiện vẫn chưa tìm được việc làm, ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an sinh xã hội trên toàn tỉnh...
Để khắc phục triệt để tất cả những vấn đề trên, thực hiện Kế hoạch phát động thi đua của Tổng Liên đoàn, Công đoàn Nghệ An quyết tâm thực hiện những hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa. Từ mục tiêu này, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
VÌ NHỮNG PHÁO ĐÀI BÌNH YÊN
Trong hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” trong toàn hệ thống. Với quyết tâm cao nhất, các cấp công đoàn Nghệ An đã đăng ký thi đua hiện thực hóa chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên - Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ”. Theo đó, tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” được Công đoàn Nghệ An triển khai bằng những chỉ tiêu cụ thể:
100% các công đoàn huyện, ngành có các hoạt động tuyên truyền, chia sẻ những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch, công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do dịch Covid-19; có ít nhất một hoạt động như “Siêu thị 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Nhà trọ 0 đồng:, “ATM gạo miễn phí”, “Nghĩa tình công đoàn”, “Bếp ăn nghĩa tình”, “Chuyến xe nghĩa tình”…
Mỗi công đoàn cơ sở tham gia ít nhất một phần việc phòng, chống dịch Covid-19 như hỗ trợ CNVCLĐ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hỗ trợ các khu cách ly, các đơn vị tuyến đầu chống dịch; Mỗi đoàn viên công đoàn có ít nhất một việc làm thiết thực tham gia, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; tự giác thực hiện và vận động, thuyết phục đồng nghiệp và người thân trong gia đình chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; Tham gia hiến máu; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách sâu sát cơ sở, hướng về cơ sở, đề xuất các giải pháp, kiến nghị kịp thời để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch...
LĐLĐ tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các nội dung cụ thể cho 3 nhóm đối tượng: Các cấp Công đoàn Nghệ An với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở là một pháo đài, là mái nhà bình yên”; Công nhân, viên chức, lao động với chủ đề “Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ”; Cán bộ công đoàn chuyên trách nêu cao bản lĩnh của từng cán bộ công đoàn vào thời điểm khó khăn, thử thách với tinh thần “Tất cả vì đoàn viên, người lao động”.
Chia sẻ về phong trào thi đua này, đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đề nghị các cấp công đoàn, nhất là người đứng đầu, cần đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với điều kiện dịch bệnh; nắm chắc và đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động để chăm lo tốt hơn, kịp thời, đúng đối tượng cho người lao động; chủ động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về hỗ trợ phòng, chống Covid-19; phát huy các công cụ truyền thông để tuyên truyền kịp thời các hình ảnh hoạt động của tổ chức công đoàn đến với người lao động. Đồng chí cũng tin tưởng, với tinh thần đồng lòng, quyết tâm, với sự sáng tạo, nhiệt huyết trong toàn hệ thống, phong trào sẽ tạo nên sự đột phá và lan tỏa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu và nội dung thi đua đã đề ra, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh đã đề ra một số giải pháp cũng như phân công thành viên hội đồng thi đua khen thưởng, theo dõi, chỉ đạo. Phong trào thi đua ý nghĩa này triển khai từ ngày 9/9/2021 đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong phạm vi toàn tỉnh./.