avatar1658396512957-16583965347301139888631-1658399583.jpg

Chiều ngày 21/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã thông tin về tình hình người Việt tại Sri Lanka. Theo đó, trong bối cảnh tình hình Sri Lanka có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka đã chủ động theo dõi sát tình hình sở tại, yêu cầu cơ quan chức năng Sri Lanka đảm bảo an ninh, an toàn cho công dân Việt Nam tại Sri Lanka.

Theo thông tin từ Đại sứ quán, trước đây tại Sri Lanka có khoảng 300 người Việt, hiện tại nhiều người đã về nước. Đời sống của công dân Việt Nam bị ảnh hưởng do thiếu gas, thiếu điện, thiếu nhiên liệu và giá cả tăng cao, bà Hằng cho hay.

Về các biện pháp hỗ trợ công dân, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn, tổ chức tặng quà, động viên cộng đồng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời thông báo cho bà con đường dây nóng để liên hệ trong trường hợp cần sự giúp đỡ.

"Đại sứ quán sẽ tiếp tục duy trì trao đổi với các đầu mối của cộng đồng, lên kế hoạch triển khai các biện pháp hỗ trợ trong điều kiện cho phép", bà Hằng cho biết.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi về việc ngày 15/7, Cục An toàn hàng hải Hải Nam thông báo cấm tàu bè ra vào một khu vực rộng hơn 60.000km2 để phục vụ diễn tập quân sự từ ngày 16 đến 20/7, trong đó, khu vực này nằm chồng lên phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Chúng tôi kiên quyết phản đối các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Việt Nam từng nhiều lần thể hiện quan điểm trước việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở Biển Đông. Cụ thể, ngày 23/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, việc Trung Quốc tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông./.