Dõi theo bình luận của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, tôi bắt gặp lời thở than của một người thầy: đi dạy 15 năm hưởng lương 7 triệu. Thầy giáo đã vậy, còn thầy thuốc làm việc vất vả ngày đêm mà lương không đủ sống thì làm sao toàn tâm toàn ý cứu người?
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của bạn đọc Trang Nguyễn gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"Công chức trên cả nước nghỉ việc hàng loạt - thực tế "chảy máu" nhân lực âm thầm mà dữ dội diễn ra trong các cơ quan nhà nước là một hồi chuông báo động đỏ buộc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận về những bất ổn trong môi trường làm việc thuộc khu vực nhà nước luôn gắn liền với định kiến "làm công ăn lương, ổn định và vững chắc".
Trước đây, người người nhà nhà ao ước và khao khát xin một chân biên chế để nhàn nhã tấm thân và tương lai an nhàn nhờ khoản hưu trí sau mấy chục năm đóng góp bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, mức lương không đủ sống cùng vô số áp lực đổ dồn buộc người ta phải nhìn nhận lại sự chênh lệch và tương phản giữa thu nhập cá nhân với nhu cầu cuộc sống, giữa khát vọng cống hiến với vô số gò bó đến từ cơ chế chính sách.
Giữa bạt ngàn lý do bạn đọc nơi nơi chỉ ra về bất cập trong chế độ lương thưởng, áp lực công việc, khuất tất và tiêu cực trong tuyển dụng cán bộ, viên chức, tôi đồng tình nhiều hơn bởi lý do cơ bản nhất: Lương và chế độ ưu đãi cho công chức quá thấp!
Có hai ngành nghề luôn được xã hội ưu ái gọi bằng "thầy", đó là thầy thuốc và thầy giáo. Một nghề chữa lành những tổn thương và một nghề gieo hạt trồng người cho trăm năm.
Thế nhưng, phải chăng vì khoác áo thanh cao nên thầy thuốc và thầy giáo buộc phải sống thanh đạm? Sao tôi chứng kiến ngày càng nhiều hơn những tiếng thở dài thườn thượt mỗi khi nhắc đến lương bổng?
Mức lương thấp đến mức không tưởng của đội ngũ y bác sĩ nơi nơi đã phơi bày trên mặt báo suốt bao ngày qua. Tôi chỉ muốn đề cập đến lương nhà giáo.
Dõi theo bình luận của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, tôi bắt gặp lời thở than của một người thầy: đi dạy 15 năm hưởng lương 7 triệu. Giữa thời "bão giá" ầm ĩ tấn công vào từng bữa cơm, con số 7 triệu đồng tiền lương đó thắt lưng buộc bụng, xoay xở đắp đổi thế nào đây?
Tôi nhớ từng có lời thông cảm với đời sống của công nhân giữa cơn "bão giá", đại ý là công nhân sống chật vật với mức lương khoảng 10 triệu.
Bạn tôi là một nhà giáo gật đầu thấu cảm với nỗi khổ của người nghèo, rồi chua chát bảo giáo viên sống khổ sở với mức lương 7 triệu. Đó là với nhà giáo đứng trên bục giảng ngót nghét 15 năm mới có khoản lương đó.
Mà nào phải đâu giáo viên được nhận đủ bấy nhiêu, bởi vô số khoản trừ liên quan quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học, quỹ vì trẻ thơ, quỹ xây dựng công trình… xoay quanh tiền lương vốn đã eo hẹp.
Lo cho cuộc sống giữa "bão giá" đì đùng này quả thật khó khăn! Nuôi thêm đứa con ăn học lại càng chật vật! Còn những chuyện to tát hơn như sửa nhà, mua xe, chữa bệnh… đều phải "lụy" ngân hàng tất tần tật. Những khoản vay nối dài, mỗi tháng trừ lương trả dần là bức tranh hiện thực của nhiều nhà giáo hiện nay.
Có thực mới vực được đạo! Lẽ tất nhiên khi cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề, người ta buộc phải xoay xở đủ kiểu để đắp đổi.
Có người chọn "chân ngoài, chân trong" bôn ba đủ nghề tay trái để trang trải gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có người chọn con đường tiêu cực tiếp tay cho cái xấu mọc mầm. Có người chọn giải pháp xin nghỉ việc, xin thôi việc và "nhảy việc" khi có nhiều lựa chọn tươi sáng hơn…
Người ta không toàn tâm toàn ý với ngành nghề đã chọn, thử hỏi hiệu quả công việc có bao nhiêu? Người ta tiếp tay cho tiêu cực hòng kiếm lợi lộc, thử hỏi niềm tin của xã hội chao nghiêng đến đâu? Người ta sẵn sàng "nhảy việc" khi công việc đã gắn bó lâu nay chẳng có triển vọng, thử hỏi người tài và người giỏi nào sẽ ở lại và cống hiến?./.