Cùng với sự bùng nổ của CNTT, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong tình hình hiện nay, hoạt động của các loại tội phạm không còn bị giới hạn trong một phạm vi địa lý nhất định, tính lưu động, liên tỉnh, xuyên quốc gia, hoạt động trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, tác động lớn đến tình hình ANTT. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Hà Tĩnh mà là vấn đề nhức nhối của cả nước cũng như trên toàn thế giới.

ca-ht2-1734484889392-1734501876.jpg
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triệt xóa nhiều đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo xuyên quốc gia.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ đầu năm 2024 đến nay toàn quốc xảy ra 8.752 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận 100 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiệt hại tài sản khoảng 80 tỷ đồng. Đến nay, Công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã khám phá 74 vụ, 213 đối tượng, trong số này có 60 vụ, 199 đối tượng ngoại tỉnh và ở nước ngoài.

Điển hình, tại đặc khu kinh tế tại tỉnh Bò Kẹo (Lào), tháng 8/2024 Công an Hà Tĩnh đã phối hợp với Công an nước bạn Lào đã đấu tranh, triệt phá thành công Tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn, bắt gọn 155 đối tượng người Việt Nam chuyên lừa đảo người Việt ở trong nước. Chỉ trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này đã thực hiện hàng chục nghìn vụ, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng. Tháng 11/2024, thông qua các hội nhóm trên các trang mạng xã hội Công an Hà Tĩnh đã phát hiện và đấu tranh, triệt xóa thành công đường dây mua bán trái phép vũ khí quân dụng; tiến hành bắt giữ, triệu tập 45 đối tượng tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ quan chức năng đã thu giữ 532 khẩu súng các loại, 36.824 viên đạn. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, đường dây này đã bán hơn 1.000 khẩu súng trên khắp các tỉnh, thành cả nước, thậm chí còn bán cho các đối tượng tại Lào, Campuchia.

Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên là: Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn, trong đó có các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, sử dụng địa bàn nước ngoài như Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines... thuê các đối tượng là người Việt Nam sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trong nước.

Tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới có sự câu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước để mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực Tam Giác Vàng qua biên giới Việt - Lào để tiêu thụ trong nước hoặc qua nước thứ ba. Các đối tượng mua bán người với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” dụ dỗ công dân đi lao động ở nước ngoài, sau đó bán cho các đường dây tội phạm để cưỡng bức lao động. Tội phạm buôn lậu, hàng cấm, vũ khí, vật liệu nổ lợi dụng hoạt động thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Tiktok, Shopee, Facebook... để thực hiện hành vi phạm tội.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán người, ma túy, đánh bạc và “tín dụng đen”.

Công an Hà Tĩnh chủ động ban hành và chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, đề án về công tác phòng, chống tội phạm; trọng tâm là các loại tội phạm hoạt động xuyên quốc gia, trên không gian mạng. Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương mở 8 đợt cao điểm phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật gắn với phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia. Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra, triệt xóa, xử lý nghiêm các ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn lậu, ma túy, buôn bán vũ khí để răn đe, phòng ngừa chung.

Cùng với đó, chú trọng tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền hướng trọng tâm vào nhận diện, phòng ngừa tội phạm không gian mạng, coi đây là giải pháp căn cơ, thiết thực để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của nhân dân, với các hình thức tuyên truyền chủ yếu như ban hành thư ngỏ, bộ tài liệu nhận diện phương thức, thủ đoạn để hướng dẫn người dân cách phòng ngừa, đồng thời vận động người dân tham gia tố giác tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Tận dụng và huy động hơn 850 trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, fanpage, nhóm ”Zalo kết nối bình yên” để phối hợp tuyên truyền; chỉ đạo tổ chức Game Show “nhận diện lừa đảo trên không gian mạng”; chỉ đạo tăng cường quản lý thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý “sim rác”... Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, từ đầu năm đến nay số vụ phạm tội về trật tự xã hội được kiềm chế, kéo giảm 9% so với cùng kỳ, kịp thời ngăn chặn 152 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền gần 10,2 tỷ đồng. Đối với tội phạm công nghệ cao liên quan đến lừa đảo, buôn người và buôn bán vũ khí, Công an Hà Tĩnh đã điều tra, khám phá 52 vụ, 299 đối tượng, trong đó đã triệt xóa 9 đường dây với 228 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp với quy mô lớn trên cả nước, xuyên quốc gia.

Đại tá Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Quá trình đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, Công an Hà Tĩnh gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trước hết, xuất phát từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nhiều lĩnh vực mới pháp luật chưa quy định, chưa có cơ chế quản lý như quản lý, sử dụng tiền điện tử. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, tài chính - ngân hàng còn nhiều bất cập, sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Hoạt động hợp tác quốc tế giữa các cơ quan chức năng của các quốc gia có liên quan trong trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để đấu tranh bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội còn gặp nhiều khó khăn. Cơ chế phối hợp xác minh, xử lý và ngăn chặn thiệt hại do tội phạm gây ra liên quan đến giao dịch ngân hàng còn chậm trễ, chưa thuận lợi.

Bên cạnh đó, các đối tượng ngày càng lợi dụng khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, sử dụng các ứng dụng có mã hóa, bảo mật cao như mạng Viber, Telegram để liên lạc, che giấu thông tin và dấu vết phạm tội. Xu thế hình thành các ổ nhóm tội phạm trên lãnh thổ nước ngoài như Lào, Campuchia, Thái Lan để lừa đảo trong nước ngày càng phổ biến, gây khó khăn trong công tác đấu tranh, xác minh, truy bắt đối tượng cũng như củng cố chứng cứ, chứng minh tội phạm. Trong khi một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn chủ quan, mất cảnh giác, thiếu hiểu biết về pháp luật, công nghệ thông tin dẫn đến bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả đấu tranh với loại tội phạm này, bên cạnh tăng cường công tác truyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân, Công an Hà Tĩnh tham mưu, chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là việc mua bán sim thuê bao di động, chấn chỉnh vấn nạn “sim rác”, đồng thời siết chặt quản lý việc mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, thanh toán trực tuyến. Công an Hà Tĩnh tiếp tục mở các đợt cao điểm để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, phạm tội hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, trấn áp loại tội phạm này.

Công an Hà Tĩnh cũng sẽ chú trọng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, nhất là với Công an nước bạn Lào để trao đổi thông tin, truy bắt đối tượng. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ thu thập thông tin, xác minh, điều tra về tội phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.