Ngày 13/3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của 29 bị cáo, kháng cáo của 14 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Đặc biệt, cho rằng một số bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù và có tình tiết tăng nặng. Trong số này có bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Phan Thanh Hữu, chủ mưu vụ buôn lậu). Tuy nhiên, cấp sơ thẩm lại phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chỉ phạt tiền.
Vì vậy, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội nên đã kháng nghị lại một phần bản án sơ thẩm.
Dự kiến phiên xét xử sẽ kéo dài tới ngày 24/3, do thẩm phán Trần Thị Thu Thủy làm chủ tọa.
Trước đó, đầu tháng 12/2022, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm, đã tuyên phạt Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) 17 năm tù, Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) 16 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.
Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.70 bị cáo còn lại trong vụ án cũng bị tuyên phạt từ 2 tới 15 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.
Theo Bản án sơ thẩm, Hữu và Viễn có quen biết với nhau trước đó do cùng làm chung công ty. Tháng 9/2019, Hữu mua 4 tàu thủy Nhật Minh để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam.
Lúc này, Hữu biết Viễn đang điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu và có nhiều mối quan hệ với một số cá nhân ở các cơ quan chức năng nên bàn bạc, thỏa thuận góp vốn cùng buôn lậu xăng.
Sau đó, Hữu, Viễn cùng 3 người khác góp 53,4 tỷ đồng để mua xăng. Các bên thỏa thuận, lợi nhuận thu được sẽ chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%. Viễn giới thiệu cho Hữu liên hệ với chủ hàng ở Singapore thỏa thuận về giá và cách thức nhận hàng.
Tiếp đó, Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng có tổng trọng lượng 8.000 tấn đậu tại vùng biển tự do giáp ranh giữa các nước Singapore, Indonesia, Malaysia. Đến khi có tín hiệu, các tàu này sẽ vào cảng Vopak (Singapore) liên lạc với đại lý để nhận hàng.
Khi tàu này nhận hàng xong về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa tàu ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu thuộc (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và các tàu Khánh Hòa 1, 3 đưa vào cảng Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ.
Để xăng có màu vàng nhạt như thị trường Việt Nam đang tiêu thụ, Hữu sử dụng bột màu và dung môi cho người đưa lên tàu pha chế rồi bán cho các tàu bán cho các đầu mối lớn có kho chứa.
Tiếp đó, số xăng này được vận chuyển đi Kiên Giang, Vĩnh Long, An Giang... bán cho các đầu mối khu vực phía Nam.
Ngoài ra, cuối năm 2020, Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng để mua 2 tàu biển Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Cường có nhiệm vụ liên hệ với đầu mối tại Singarpore, còn Đức lo tiêu thụ xăng. Ngoài Tứ, Hữu còn bán xăng cho Trần Thị Thanh Vân (Giám đốc Công ty Trúc Vân) chở lên TP Thuận An (Bình Dương) tiêu thụ.
Khi biết đường dây của Hữu bị triệt phá ở Vĩnh Long, Viễn tiếp tục điều tàu Khánh Hòa 03 bơm xăng bán cho các đầu nậu ở cảng Bắc Vân Phong. Đến tháng 4/2021, Viễn biết chuyên án đang mở rộng điều tra nên chỉ đạo bơm 1,2 triệu lít xăng còn lại sang tàu Pacific Ocean trả cho chủ hàng ở Singapore.
Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu và Viễn cùng các đồng bọn đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong đó, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Theo Thanh Phương -vietnamnet.vn