Gìn giữ và phát huy các giá trị của nghệ thuật truyền thống là những nỗ lực mà huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đang thực hiện. Một trong những hoạt động ý nghĩa đó là xây dựng và phát triển các câu lạc bộ dân ca, dân vũ truyền thống.
 
Con Cuông là huyện miền núi vùng cao biên giới, có 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 75%. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từ năm 2008 đến nay, huyện Con Cuông đã thành lập nhiều CLB dân ca, dân vũ Thái tại nhiều bản thuộc các xã Môn Sơn, Bồng Khê, Yên Khê, Lục Dạ…
 
Bản Kim Đa, xã Lục Dạ là một trong những bản còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống và lưu truyền các làn điệu dân ca như: Khắp, xuối, lăm, nhuôn và các điệu múa của dân tộc. Mới đây, bản đã tổ chức lễ ra mắt CLB dân ca Thái, thu hút 19 thành viên.
 
Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt 1 lần, các thành viên tự tập luyện và biểu diễn nhằm phục vụ khách du lịch đến tham quan cũng như giao lưu văn hóa, văn nghệ ở địa phương.
 
Trong bối cảnh nghệ thuật dân gian của đồng bào Thái đứng trước nguy cơ mai một, việc hình thành các CLB văn nghệ truyền thống là điều cần thiết. Trò chuyện với chúng tôi, bà Vi Thị Toán – thành viên chủ chốt của CLB dân ca Thái của bản Kim Đa chia sẻ: “Từ ngày nhỏ tôi rất thích hát và có thể hát được tất cả các làn điệu của đồng bào Thái, tự viết lời cải biên, tham gia nhiều hội diễn của xã, của huyện. Tuy nhiên, thanh niên thời nay thì khác, dù mặc váy Thái, nói tiếng Thái nhưng chẳng mấy ai lại có thể hát được một bài hát Thái trọn vẹn. Cũng bởi lý do này nên khi thành lập và tham gia vào CLB, tôi muốn được giới thiệu và truyền dạy những bài hát truyền thống của người Thái cho thế hệ trẻ”.


 
Tiết mục hát dân ca Thái của bà Vi Thị Toán - thành viên CLB dân ca Thái, bản Kim Đa, xã Lục Dạ
 
Theo lãnh đạo huyện Con Cuông, thời gian qua huyện đã và đang thực hiện đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Huyện cũng đã có chính sách riêng để phát triển các CLB văn hóa dân tộc như hỗ trợ về kinh phí hoạt động, hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ và hỗ trợ trong việc tổ chức các chương trình, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ hay mở các lớp dạy nhạc cụ. Nói về hiệu quả của đề án này, ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Con Cuông cho biết: Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái được gắn với chủ trương xây dựng và phát triển du lịch của huyện nhà.
 
Qua hơn 5 năm triển khai, toàn huyện đã xây dựng được 19 CLB dân ca nhạc cụ dân tộc Thái. Trong đó, có một số câu lạc bộ đã tham gia vào các chương trình phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng và một câu lạc bộ đã được công nhận mô hình cấp tỉnh. Việc chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục lại việc bảo tồn và giữ gìn băn hóa phi vật thể và vật thể, bảo tồn các làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội như: lễ mừng lúa mới, xăng khan, hội cầu mùa… cũng góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần của bà con thôn bản và xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa dân cư ở cơ sở.