k-1725595921.PNG
Gần 30ha sông Rác đoạn từ xã Cẩm Lĩnh đến cầu Cửa Nhượng người dân đóng cọc chi chít để nuôi hàu.

Mạnh ai nấy làm…

Nhiều năm qua, dòng sông Rác đoạn chảy qua các xã Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh và thị trấn Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên) bị người dân chiếm dụng, đóng nhiều bãi cọc kiên cố để nuôi hàu. Khi thủy triều rút xuống, hàng vạn cọc bê tông nổi lên như “ma trận” giữa dòng sông Rác.

Theo ghi nhận, đoạn sông chảy qua thôn 2, thôn 4 (xã Cẩm Lĩnh) kéo dài ra cầu Cửa Nhượng là khu vực bị chiếm dụng để nuôi hàu nhiều nhất. Tại đây, cọc tre, cọc gỗ được người dân cắm chi chít khiến lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng đến dòng chảy, đánh bắt thủy sản, lưu thông của tàu, thuyền.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kính đóng 2ha cọc bê tông và cọc tre trên sông Rác để nuôi hàu tự nhiên. Theo bà Kính, mùa này, bình quân mỗi ngày bà thu hoạch từ 3 - 4 tạ hàu, trị giá khoảng 1 triệu đồng.

“Nhận thấy hàu thường bám trên các khối đá ven sông nên nhiều người đã tự đổ trụ bê tông chôn giữa sông để dụ hàu bám vào. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên các hộ khác cũng đem cọc ra khu vực lòng sông để đóng khoanh vùng.

Lúc đầu một vài hộ đóng nuôi thử nghiệm, sau thì “mạnh ai nấy làm”, tự do chiếm dụng, hộ ít cũng vài sào, có hộ từ 2 - 3ha cọc bê tông đóng giữa sông Rác để nuôi hàu”, bà Kính nói.

Một hộ dân khác cho hay, dù biết đóng cọc bê tông và cọc tre kiên cố, chằng chịt trên sông Rác để nuôi hàu là trái quy định, nhưng để mưu sinh họ không còn cách nào khác là cố tình chiếm dụng.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân, việc người nuôi hàu ồ ạt, chiếm dụng sông Rác đã gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên sông Rác không thể thực hiện, luồng lạch bị cản trở, tàu thuyền qua lại rất khó khăn, thậm chí bị va đập rất nguy hiểm.

“Việc người dân đóng cọc kiên cố đã khiến tàu thuyền khó khăn ra vào, lưới và các ngư cụ bị kéo rách, hỏng hóc. Không ít tàu thuyền đã bị gãy chân vịt, thậm chí bị thủng đáy thuyền do va đập mạnh vào các trụ bê tông. Sản lượng đánh bắt các loại hải sản vì thế cũng giảm mạnh.

Mùa mưa bão tàu thuyền vào bờ tránh trú rất khó khăn. Theo tôi, các cấp có thẩm quyền cần kiểm tra và có phương án tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ kịp thời”, ông Trần Đình Cảnh (xã Cẩm Lĩnh) nói.

kk-1725595962.PNG
Việc đóng cọc nuôi hàu trên sông Rác gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn cho tàu thuyền ra vào đánh bắt hải sản.

Cần sớm xử lý

Theo tìm hiểu, hơn 10 năm trước, UBND xã Cẩm Lĩnh có cho người dân thuê đất hai bên mép sông Rác để nuôi hàu, ngao. Đến năm 2016, chính quyền xã nhận thức việc cho người dân thuê như trên là trái thẩm quyền nên đã chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua, hơn 10 hộ dân tại địa phương này vẫn chiếm dụng lòng sông để chôn hàng nghìn cột bê tông, cọc tre trái phép để nuôi hàu. Theo thống kê, dọc bờ sông Rác đoạn qua xã Cẩm Lĩnh có gần 30ha mặt nước bị người dân chiếm dụng để nuôi hàu tự phát.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, đóng cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu trên sông Rác là không đúng quy định. Trước đó, khi quy mô còn ít, địa phương đã từng tuyên truyền, ngăn cấm và tháo dỡ, nhưng được một thời gian người dân lại lén lút đóng cọc bê tông vào ban đêm.

“Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở người dân tiến hành tháo dỡ, trả lại mặt nước tự nhiên, tránh gây cản trở tàu thuyền qua lại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn không chấp hành. Lý do là cọc đã chôn sâu xuống các bãi bồi nên rất khó nhổ lên, cần có máy móc lớn hỗ trợ”, ông Hà nói.

Ông Hà cho biết thêm, thời gian tới UBND xã sẽ vào cuộc quyết liệt, nghiêm cấm người dân mở rộng diện tích nuôi. Đối với các vùng đang bị chiếm dụng, yêu cầu tháo dỡ kịp thời, nếu không, địa phương sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Liên quan đến việc người dân đóng cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu trên sông Rác, đại diện Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) thông tin, hiện ngành chức năng đang chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương xử lý.

“Chiếm dụng sông Rác đóng cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu là không đúng quy định. Khi phát hiện sự việc, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản đề nghị huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, xử lý”, đại diện Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) nói.