Theo PGS Dương Thị Hồng, hiện nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tiêm cùng một loại vaccine đủ 2 liều. Ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vaccine khác với mũi đầu nhưng cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phân bổ vaccine Covid-19 của Pfizer. Đặc biệt, tại quyết định phân bổ này, Bộ Y tế nêu rõ "trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ nhất cho những người chưa được tiêm chủng".

Về việc có thể tiêm 2 loại vaccine Covid-19 hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, một số nước tiến hành tiêm trộn như mũi 1 của AstraZeneca, mũi 2 của Pfizer với mong muốn tăng hiệu quả bảo vệ. Tuy nhiên, cách thức này chưa có đánh giá của WHO.

Có thể tiêm kết hợp 2 loại vaccine Covid-19 hay không?
"Ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vaccine khác với mũi đầu nhưng cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe"- PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết.

Bà Hồng cho biết, hiện nhà sản xuất và WHO đều khuyến cáo tốt nhất tiêm cùng một loại vaccine đủ 2 liều. Trong trường hợp ở thời điểm thiếu vaccine, người dân có thể buộc phải tiêm một loại vaccine khác với mũi thứ nhất nhưng cần theo dõi sức khỏe sát sao. "Các vaccine này đều có hiệu quả bảo vệ tương đương nhau, sau khi tiêm mũi 1 là 70%, mũi 2 là 80-90%. Vì vậy, người dân không nên có tâm lý chờ đợi loại vaccine khác"- bà Hồng chia sẻ.

Theo PGS Hồng, thời điểm giữa mũi tiêm thứ nhất và thứ hai tùy thuộc vào loại vaccine Covid-19 bạn đã tiêm. Nếu vaccine Covid-19 là của Pfizer-BioNTech, Moderna, Sinopharm, bạn nên tiêm mũi thứ hai ít nhất khoảng 3-4 tuần sau mũi đầu tiên. Đối với vaccine Covid-19 của AstraZeneca, bạn nên tiêm mũi thứ hai sau 8-12 tuần là lý tưởng nhất.

Bà Hồng cũng cho biết, Bộ Y tế đang tổ chức 700 đầu cầu tập huấn về tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm và sắp tới là Sputnik V.

Từ 7/2021 đến 4/2022, nước ta dự kiến sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho 70% dân số Việt Nam. Hết 2021, 50% dân số sẽ được tiêm chủng vaccine.

Hiện nay, do nguồn cung hạn chế, vaccine sẽ được ưu tiên cho các vùng có dịch, tỉnh, thành phố có nhiều cụm công nghiệp, dân cư, giao lưu kinh tế biên giới… Hiện, nước ta có hơn 11.000 điểm tiêm chủng xã, phường. Ngoài ra, chúng ta còn có điểm tiêm chủng tư nhân, tổng số lên tới 19.000 điểm.

Trước đó, trong bối cảnh khan hiếm vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới, ngày càng có nhiều quốc gia đang xem xét chuyển sang kết hợp các loại vaccine Covid-19 khác nha. Như tại Canada, từ đầu tháng 6 nước này đã cập nhật hướng dẫn và khuyến nghị rằng có thể tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca và mũi hai là vaccine Moderna hoặc Pfizer.

Theo Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada, những loại vaccine này có thể được sử dụng thay thế cho nhau khi không có sẵn liều thứ hai của cùng một loại vaccine và các nghiên cứu tại Anh, Tây Ban Nha hay Đức đã cho thấy việc kết hợp vaccine là an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Một số quốc gia khác cũng đã áp dụng cách trộn và kết hợp ở một mức độ nào đó.

Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết dù không coi vaccine mRNA có thể thay thế cho nhau, nhưng thừa nhận rằng một loại vaccine này có thể được sử dụng thay thế vaccine khác trong trường hợp không có liều thứ hai của mũi ban đầu. Tương tự tại nhiều nước châu Âu như Đức hay Đan Mạch, việc phối kết hợp các loại vaccine cũng đang được áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề bất lợi ở một loại vaccine nào đó, nhất là sau nhiều trường hợp xảy ra tác dụng phụ hiếm gặp của tình trạng đông máu hoặc chảy máu ở những người được tiêm chủng vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó tại Thái Lan, nước này cũng thông báo sẽ cho phép bệnh nhân tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca và Sinovac để chống lại sự gia tăng của các ca mắc Covid-19hiện nay./.