Cơ thể người là một khối thống nhất. Động tác nuốt và thở thường phối hợp với nhau khi đảm nhận chức năng ăn và hô hấp, nhằm tránh để sặc thức ăn vào đường thở, đồng thời cung cấp đủ oxy cho hệ thống hô hấp và các tế bào của các cơ quan trong cơ thể. Các yếu tố làm biến đổi việc cho và nhận oxy và thông khí (như các bệnh hô hấp mạn tính) có thể ảnh hưởng tới sự phối hợp nuốt và thở.
Với 1069 nghiên cứu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và biểu hiện ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn; liên quan đến biểu hiện nuốt, các nhà khoa học đã mô tả được một phần mối tương quan giữa chức năng nuốt và bệnh lý hô hấp. Họ cho rằng các rối loạn về nuốt chiếm tới 49,5% các nguyên nhân gây ra bệnh phổi mạn và ngược lại các bệnh hô hấp mạn tính làm gia tăng tỉ lệ rối loạn chức năng nuốt, gia tăng tỷ lệ cảm giác nghẹn và vướng ở cổ.
Chúng ta nuốt thức ăn như thế nào?
Nuốt là một trong những phản xạ phức tạp nhất của con người liên quan đến 25 cặp cơ của miệng, họng, thanh quản, và thực quản. Quá trình nuốt có thể được chia thành ba pha liên tục: 1) pha miệng, 2) pha họng và 3) pha thực quản.
Trong suốt pha miệng (pha chủ động) thức ăn sau khi được nghiền nát bởi động tác nhai sẽ tạo thành khối rồi được đẩy vào họng; phần lưỡi gà và khẩu cái mềm đẩy ngang để thức ăn đi vào họng miệng trước khi diễn ra quá trình nuốt. Pha họng (pha thụ động) bắt đầu bằng việc khối thức ăn kích thích các receptor xúc giác của họng miệng, khởi phát quá trình nuốt thụ động, thức ăn được đưa xuống thực quản, trong khi đó không để cho thức ăn bị hít vào đường thở. Trong pha này, khẩu cái mềm nâng lên nhằm ngăn không cho thức ăn trào ngược lên khoang mũi, hai dây thanh khép khiến thanh môn được đóng, thanh quản được kéo lên và sụn nắp đóng lại để bảo vệ đường vào khí quản - phổi. Cuối cùng, cơ thắt thực quản trên mở ra, cho phép thức ăn đi vào thực quản chuyển xuống dạ dày nhờ vào nhu động của thực quản và hệ thống van một chiều.
Rối loạn chức năng nuốt có thể dẫn tới viêm phổi
Quá trình nuốt cần được phối hợp nhịp nhàng và chính xác với quá trình thông khí do cả hai quá trình đều được diễn ra tại hạ họng (ngã tư giữa đường ăn và đường thở). Ở người trưởng thành, quá trình nuốt diễn ra trong thì thở ra, kéo dài khoảng 0.5-1 giây. Những thay đổi của kiểu thở có thể ảnh hưởng tới quá trình nuốt cũng như sự phối hợp nuốt – thông khí. Thực tế, sự biến đổi thông khí do tăng CO2 hoặc thay đổi cơ chế hô hấp hoặc kháng trở dòng khí làm tăng tần số nuốt và kích thích thực quản dẫn đến rối loạn co bóp thực quản gây cảm giác nghẹn, đầy tức, dọc theo thực quản. Sự suy giảm chức năng nuốt, còn gọi là rối loạn chức năng nuốt có thể dẫn đến viêm phổi hít và suy dinh dưỡng. Rối loạn chức năng nuốt trên bệnh nhân bị bệnh hô hấp mạn tính có thể làm gia tăng số đợt cấp. Do đó, những bệnh nhân này có xu hướng có chức năng thông khí diễn biến xấu đi nhanh chóng và có nguy cơ nhập viện cao hơn.
Với trẻ em thường xuyên bị viêm phế quản, viêm phổi, viêm phế quản phổi; bên cạnh nguyên nhân dị vật đường thở thì rối loạn chức năng nuốt là một trong những nguyên nhân hay gặp. Ở các trẻ này ta có thể thấy hiện tượng nôn trớ thường xuyên, ngủ không ngon giấc, viêm phổi và phế quản thường xuất hiện ở hai bên (viêm phổi do dị vật bỏ quên thường ở một bên).
Với người có những cơn ngừng thở khi ngủ: Nhiều nghiên cứu đã nhận thấy khoảng 65% bệnh nhân có cơn ngưng thở khi ngủ có rối loạn chức năng nuốt; nuốt thường xuyên hơn trong quá trình chuyển tiếp giữa hoạt động thở ra và hít vào nhưng không liên quan đến mức độ nặng của cơn ngưng thở khi ngủ.
Với những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: rối loạn sẽ làm tăng tần xuất đợt cấp của bệnh lý tắc nghẽn hô hấp mạn tính. Một nghiên cứu thống kê về mối liên hệ chặt chẽ, nhiều chiều giữa rối loạn chức năng nuốt và bệnh phổi tắc nghẽn mạn đã các nhà khoa học nghiên cứu và công bố (O’KANE và cộng sự năm 2009, STEIDL và cộng sự năm 2015) cho thấy nếu rối loạn chức năng nuốt, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tăng lên 17-42% do thời gian đóng đường thở lâu hơn nên bệnh nhân thường hít dịch đường ăn vào đường thở.
Cần sớm phát hiện rối loạn chức năng nuốt
Như vậy, việc phát hiện những rối loạn về chức năng nuốt trên lâm sàng có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị các bệnh lý phổi khó kiểm soát, đồng thời việc phát hiện ra những bệnh lý mạn tính của phổi để phối hợp điều trị cũng góp phần cải thiện các triệu chứng như nuốt nghẹn, nuốt vướng, nuốt khó kéo dài mà không phải do nguyên nhân ung thư ở các vị trí của đường ăn và đường thở./.