Các luật sư cho rằng, việc cho ông Trần Văn Nam, Bí thư Bình Dương thôi giữ chức ĐBQH khóa XV sẽ theo quy định Luật Tổ chức Quốc hội 2014.
Cơ quan nào có thẩm quyền cho Bí thư Bình Dương thôi không làm ĐBQH?
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Ngày 7/6, ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã có đơn xin thôi không tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026). Hiện Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nhận được đơn của ông Nam.

Được biết, lý do ông Nam xin thôi không tham gia làm đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) là vì sức khỏe. Do đó, ông nộp đơn sớm để Hội đồng Bầu cử chủ động xem xét trước khi công bố danh sách trúng cử chính thức.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, ngày 10/6, hội đồng sẽ tổ chức họp và có quyết định chính thức về nội dung này.

Bàn luận về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thông báo mới nhất, dự kiến đến ngày 10/6, Hội đồng Bầu cử quốc gia mới chính thức công bố danh sách đại biểu Quốc hội XV vừa trúng cử. Nếu trong trường hợp ông Nam đã trúng cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia không có thẩm quyền quyết định cho ông Trần Văn Nam thôi đại biểu Quốc hội XV.

Theo luật sư Bình, Hội đồng Bầu cử quốc gia được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV trong cả nước; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội khóa XV báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.

Giả sử trong trường hợp ông Nam không trúng cử thì đương nhiên không áp dụng quy định trên. Còn trong trường hợp đã trúng cử, nếu đại biểu Quốc hội đã không phù hợp với tiêu chuẩn hoặc không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì theo Điều 7 Hiến pháp năm 2013 và Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, đại biểu Quốc hội sẽ bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm.

Cùng nói về vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo Điều 15 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, không có quy định nào về việc cho thôi, hay chấp nhận cho rút không làm đại biểu Quốc hội với người đã trúng cử.

Theo ông Lực, sau khi có kết quả bầu cử từ các địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ có thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử để báo cáo Quốc hội khóa mới, chứ không có thẩm quyền cho thôi hay cho rút.

Việc cho thôi hay cho rút không làm đại biểu Quốc hội, theo quy định hiện hành tại Luật Tổ chức Quốc hội, phải do Quốc hội quyết định. Nếu không phải thời gian diễn ra kỳ họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Ông Trần Văn Nam sinh tháng 8/1963, quê quán xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ông Nam có trình độ chuyên môn là cử nhân luật, cử nhân chính trị, cao cấp thanh vận.

Ông Nam là đại biểu Quốc hội của Bình Dương các khóa XI, XII và XIV (khóa XIV đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương).

Ngoài cương vị đại biểu Quốc hội, ông Trần Văn Nam từng trải qua nhiều vị trí quản lý, lãnh đạo quan trọng tại địa phương như: Bí thư Thị ủy thị xã Tân Uyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (từ năm 2015), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020) và tái cử nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), ông Nam ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 (TP Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên). Địa bàn tỉnh Bình Dương có tổng cộng 19 người ứng cử tại bốn đơn vị bầu cử, để bầu lấy 11 đại biểu.

Theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia có thẩm quyền xem xét tư cách đại biểu Quốc hội trước khi công bố danh sách chính thức.