Vụ việc kéo theo rất nhiều bình luận, ảnh hưởng tới tinh thần của NSND Lệ Thủy.
Sự việc xảy ra cách đây gần một tuần, NSND Lệ Thủy nhận được rất nhiều cú điện thoại từ người thân, bạn bè, khán giả, gọi tới hỏi về giọng ca của bà đang phát tán trên YouTube, ca ngợi ông Lê Tùng Vân và “Thiền am bên bờ vũ trụ”. Ngày 15.12, ca sĩ Đình Trí, con trai của bà, mới phát hiện một số kênh YouTube đang hoạt động như thế, nhất là kênh Quang PH Online đã dùng tên Lệ Thủy để làm từ khóa thông tin. Ca sĩ Đình Trí đã lập tức thông báo trên Fanpage của Lệ Thủy, chụp lại màn hình kênh đó, báo cho Sở VH-TT và Sở TT-TT TP.HCM.
NSND Lệ Thủy quyết nhờ các cơ quan chức năng xử lý vụ việc này. Bà nói: “trước kia cũng có nhiều kênh đưa thông tin lẫn hình ảnh lên bảo rằng tôi chết, bạn bè đi phúng viếng rất nhiều. Họ cắt ghép rất công phu, y như thiệt. Nhưng tôi không quan tâm lắm, vì tôi biết mình còn sống là được. Nhưng vụ này thì khác. Bởi vấn đề của ông Lê Tùng Vân và "Thiền am bên bờ vũ trụ" rất nhạy cảm, dư luận phức tạp, tôi không muốn dính líu vào. Nhưng họ giả mạo tên tôi như vậy, nên có rất nhiều người bình luận bên dưới, đủ các chiều hướng, ảnh hưởng uy tín của tôi. Cả tuần nay tôi thật sự rất mệt mỏi, vì ngày nào cũng có quá nhiều cú điện thoại gọi tới hỏi thăm, hoặc trách móc, đủ điều… Tôi mong các ban ngành làm rõ để tránh những phức tạp sau này, chẳng hạn dính tới tiền bạc thì càng nguy hiểm”.
Ca sĩ Đình Trí nói: “Dù những kênh ấy đã sửa lại tựa đề, nhưng mấy trăm bình luận bên dưới cũng đâu có sửa kịp, vẫn là ghi NSND Lệ Thủy, và chủ kênh vẫn trả lời những bình luận đó y như chính họ là Lệ Thủy, khiến người ta vẫn hiểu đây là kênh của mẹ tôi. Thực tế, mẹ tôi không hề biết các ứng dụng công nghệ như Facebook, Zalo, TikTok. Vì rất nhiều khán giả hay gọi điện, nhắn tin hỏi thăm, nên tôi mới làm một Fanpage để tiện liên lạc. Vụ này tôi có phản ánh trên Fanpage, đồng thời nhờ các cơ quan chức năng và báo chí can thiệp giúp. Nếu không xử lý, tôi e rằng sau này thành tiền lệ, họ sẽ tiếp tục giả mạo nhiều nghệ sĩ khác nữa và gây rối loạn xã hội”.
Để xử lý vụ việc này, không hề đơn giản. Theo ông Lê Cao Sỹ, chuyên viên Phòng thông tin điện tử của Sở TT-TT TP.HCM: “Chúng ta chưa thể quản lý trực tiếp các nhà mạng xuyên biên giới, cho nên có vụ việc xảy ra thì xử lý rất lâu. Chỉ có Bộ TT-TT mới có thẩm quyền yêu cầu họ xóa kênh chẳng hạn. Vụ này cũng khó xử lý hình sự, bởi họ đã sửa từ ngữ rồi, cho nên chỉ có thể xử lý hành chính thôi. Hoặc nếu cần thì nhờ công an hỗ trợ thêm về điều tra thông tin”.
Ông Nguyễn Tấn Cang, Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, cho biết: “Nếu xử theo Nghị định 15CP về phát ngôn trên các phương tiện thông tin truyền thông, thì mức phạt chỉ là 7.500.000 đồng. Chúng tôi đang cố gắng rà soát những kênh đang chia sẻ và sẽ mời đến làm việc, nhắc nhở”.
Ông Nguyễn Văn Khang, Phó giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM kết luận: “Hướng xử lý hiện nay là Sở TT-TT thu thập thông tin rồi gởi lên Bộ, nhờ Bộ xử lý. Nhân đây, cũng là dịp để tuyên truyền luật đến người dân về việc sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông. Người sử dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung mình đưa lên trang. Xử lý sai phạm tùy theo mức độ, có thể nhắc nhở, cảnh cáo, phạt tiền, hình sự. Và người bị hại cũng nên có ý thức phản ánh lên các cơ quan chức năng về vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân và tổ chức, để có hướng xử lý. Thế giới mạng là một "xã hội số", mọi người cần tuân thủ pháp luật và cư xử văn minh”./.
Theo PV - tamnhin.trithuccuocsong.vn