“Nhận tin bài viết đạt giải, tôi mừng lắm! Đây là cuộc thi lớn, nghĩa là sẽ có nhiều người biết đến ngôi trường dân tộc bán trú ở vùng biên giới xa xôi, biết đến thầy hiệu trưởng tâm huyết, hết lòng vì học sinh”.
 

Cô Trần Thị Thu Hiền - GV Trường PT DTBT THCS Nậm Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đạt giải cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác".
 
Đó là chia sẻ của cô Trần Thị Thu Hiền, một trong những tác giả đạt giải cuộc thi viết "Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác" năm học 2020 - 2021. Tác phẩm của cô mang tên “Thầy hiệu trưởng vùng cao tâm huyết với sự nghiệp trồng người”. “Nhân vật” trong bài chính là thầy hiệu trưởng nơi cô Hiền dạy học – ngôi trường vùng biên giới khó khăn bậc nhất Nghệ An, nằm dưới nóc nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
 
Cảm xúc từ tâm huyết của thầy hiệu trưởng
 
Cô Trần Thị Thu Hiền hiện là giáo viên môn Ngữ văn Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Nhưng cô chỉ mới về đây nhận công tác hơn 1 năm. Trước đó, cô đã từng có gần 15 năm dạy học tại Na Ngoi, cũng là một xã biên giới nằm dưới nóc nhà dãy Trường Sơn.
 
Khi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới, cô Hiền không khỏi lo lắng. “Tôi có gọi cho hiệu trưởng là thầy Nguyễn Công Danh, và được thầy động viên, khích lệ “cứ sang đi, có khó khăn gì sẽ cùng nhau chia sẻ, giải quyết”. Bên cạnh đó, đồng nghiệp cũng đón nhận và giúp đỡ tôi nhiệt tình từ công việc đến sinh hoạt.
 
Thời gian đầu, tôi được tạo điều kiện ở nhà công vụ trong trường. Sau đó, do còn nuôi con nhỏ, nên tôi ra ngoài thuê nhà dân ở gần đơn vị bộ đội biên phòng của chồng, cách trường khoảng 4 – 5km”, cô Hiền cho biết.
 
Ngôi trường mang tên con sông Nậm Típ dành cho học sinh 2 xã Mường Típ và Mường Ải.  Trường có 417 học sinh nhưng có tới 301 em ở bán trú, chiếm hơn 75%. Lớp 7B của cô Hiền chủ nhiệm cũng có tới 27/33 học sinh bán trú, chỉ có 6 em nhà gần trường tự đi về. Học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định 116 với mức hỗ trợ bằng 50% tháng lương cơ bản và 15kg gạo/học sinh/tháng. Số kinh phí này để đảm bảo nuôi ăn ở cho học sinh từ thứ 2 đến thứ 6 rất vất vả. Đặc biệt là các em đang “tuổi ăn tuổi lớn”.
 
Vì vậy, nhà trường tăng gia sản xuất để thêm thức ăn cho học sinh, và thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Danh chính là người tiên phong. Để có vườn rau cho trò, thầy cô phải lội sang bên kia sông, khai hoang, cuốc đất. Chỉ ở gần sông mới có nước tưới. Thời gian rảnh, thầy Danh lại miệt mài lên nương. Vựa rau của thầy trò cứ thế ngày một rộng hơn.
 

 
Vườn rau xanh tốt do thầy cô Nguyễn Công Danh - Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Nậm Típ khởi xướng và duy trì nhiều năm học
 
So với Na Ngoi, dù cũng là vùng biên giới, nhưng thời tiết, khí hậu ở 2 xã này khắc nghiệt hơn. Mùa hè nắng nóng, mùa mưa thường trực đối mặt với lũ quét, lũ ống. Ấy vậy mà vườn lúc nào cũng xanh tốt. Ngoài ra, trường còn nuôi hàng chục con lợn, thả gà, đào ao nuôi cá, ếch... để có thực phẩm tươi sạch cho trò.
 
Tôi nhớ khi mới khai giảng xong, cũng đang vào mùa mưa lũ. Nước sông suối dâng cao, chảy xiết. Cô giáo và học sinh không dám sang bên vườn rau. Vậy mà thầy hiệu trưởng xắn quần, lội qua nước lớn để hái rau cho trò. Có lần thầy về quê ở huyện Tân Kỳ, chỉ lo mang theo 1 bì cây giống để trồng vụ mới. Hình ảnh ấy khiến tôi xúc động, ấn tượng mãi. Dù chỉ mới đến công tác ở trường, nhưng tôi cảm nhận được đó là người thầy cực kỳ tâm huyết, lo lắng cho học sinh từ những điều nhỏ nhất”, cô Hiền kể.
 
Mừng vì câu chuyện thật được công nhận, lan tỏa
 
Năm học 2020 – 2021, Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi viết Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác. Thông tin cuộc thi cũng được Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, Nghệ An gửi về các trường học trực thuộc. “Đọc thể lệ, tôi nghĩ ngay đến việc viết về thầy Danh. Đó thực sự là một tấm gương lớn để những giáo viên như chúng tôi noi theo”, cô Hiền nói.
 

 
Ngôi trường vùng biên giới này có tới 75% học sinh bán trú
 
Thời gian về trường, cô Hiền thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo phân công và được ban giám hiệu quan tâm hướng dẫn. Đối với công tác bán trú, dù ở trọ xa trường, cô Hiền vẫn nhận lịch trực quản lý học sinh. Trường PT DTBT THCS Nậm Típ có học sinh ở cả 3 thành phần dân tộc, Khơ Mú, Thái, Mông. Trong đó hộ nghèo chiếm tới 90%. Hòa nhập vào môi trường mới, cô cho biết sự tận tâm, nhiệt huyết với học sinh của giáo viên nhà trường được truyền lửa từ thầy hiệu trưởng.
 
“Đến nay, gần về hưu thầy vẫn đang “cắm bản”, dành phần lớn thời gian cho học sinh 2 xã biên giới Mường Típ, Mường Ải. Và cuộc thi của Bộ GD&ĐT, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức là dịp để tôi được nói những diều mình chứng kiến, cảm nhận. Và cứ thế tôi viết ra rất nhanh”, cô Hiền nói.
 
Người báo tin kết quả dự thi cho cô Hiền cũng chính là thầy Danh. “Hôm đó, tôi được thầy gọi điện chúc mừng, thông báo bài viết của mình đạt giải. Lúc đó, cảm xúc của tôi khó tả lắm, không dám tin, còn hỏi lại - “Có thật không thầy, thầy có... lừa em không”! Thầy giải thích do số điện thoại của tôi không liên lạc được, nên ban tổ chức gọi về cho Phòng GD&ĐT nhờ thông báo với nhà trường và tác giả. Lúc ấy tôi mới tin bài viết của mình đạt giải, và gọi báo tin cho mọi người”, cô Hiền nhớ lại.
 
 
Thầy Nguyễn Công Danh (đeo phù hiệu) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Nghệ An thăm bếp ăn bán trú của nhà trường
 
Cô Hiền cũng tâm sự, khi đặt bút viết, cô nghĩ mình chỉ là một giáo viên dạy văn bình thường ở một ngôi trường vùng sâu vùng xa. Chắc hẳn có nhiều người giỏi giang, tài năng hơn. Nhưng cô cứ viết bằng cảm xúc của mình, bằng những sự việc thực diễn ra hằng ngày. Câu chuyện về trường Nậm Típ, về thầy hiệu trưởng Nguyễn Công Danh là có thật chứ không phải hư cấu, tưởng tượng thêm vào. Khi gửi bài dự thi, cô cũng thầm ước mình được giải. Và giờ đây, điều ước đó đã thành sự thật.
 
Cô giáo vùng cao tâm sự thêm, dù chưa biết đạt giải gì, nhưng biết tin được giải đối với cô đã là một niềm vui to lớn, để cô chia sẻ với gia đình, đồng nghiệp, học sinh. “Cuộc thi được tổ chức trên toàn quốc, nghĩa là những gì mình viết được ghi nhận, nhiều người sẽ biết đến ngôi trường dân tộc bán trú ở vùng biên giới xa xôi, biết thầy hiệu trưởng tâm huyết, hết lòng vì học sinh. Đó cũng là ý nghĩa lớn nhất mà tôi nhận được” - cô Hiền bày tỏ./.