“Cháu lớn nhanh, chú chờ…”

Trong tập 178, chương trình Gõ cửa thăm nhà đưa người xem đến thăm nhà anh Lê Văn Công (39 tuổi), VĐV cử tạ người khuyết tật Việt Nam.

Biết MC Quốc Thuận - Ngọc Lan đến thăm, vợ chồng anh Công vội vã ra cửa mời khách vào nhà. Bên trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang của anh ở huyện Củ Chi, TP.HCM, treo rất nhiều bằng khen, huy chương…

Lực sĩ Lê Văn Công là VĐV cử tạ người khuyết tật Việt Nam đầu tiên giành được HCV tại Paralympic. Hiện tại, anh nắm giữ kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg.

y-1706879909.png
Vận động viên cử tạ người khuyết tật Việt Nam Lê Văn Công.

Ngày 23/8, lực sĩ người Hà Tĩnh một lần nữa giành HCV hạng cân 49kg tại Giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới 2023 diễn ra tại Saudi Arabia.

Ngoài nỗ lực bản thân, sự nghiệp thi đấu xuất sắc của anh Công phải kể đến sự hy sinh thầm lặng của bạn đời - chị Chu Thị Tám (31 tuổi).

Anh Công kể: “Tôi quen thân một người bạn cùng tham gia CLB Hướng nghiệp dành cho người khuyết tật TP.HCM. Bạn ấy có em gái làm việc ở một xưởng may tại quận Tân Bình. Năm 2006, được bạn rủ xuống phòng trọ của em gái chơi, tôi vô tình gặp được Tám”.

Lần đầu gặp anh, chị Tám mới 16 tuổi, từ Nghệ An vào TP.HCM làm thợ may. Hôm đó, chị tăng ca, về nhà trọ muộn hơn ngày thường. Thấy khách của bạn cùng phòng, chị lễ phép chào: “Cháu chào hai chú”.

Ngay cái nhìn đầu tiên, anh Công đã cảm mến cô gái nhỏ nhắn, dễ thương nên nhanh miệng bảo: “Cháu lớn nhanh, chú chờ…”. Từ đó, hai người giữ liên lạc, thường trò chuyện cùng nhau.

Biết cô gái xứ Nghệ còn nhỏ tuổi, anh Công đến thăm, chứ không hẹn hò bên ngoài. Ngoài lý do đó, anh cũng mang nặng mặc cảm, tự ti với thân hình không trọn vẹn.

yy-1706879933.png
Gia đình hạnh phúc của lực sĩ Lê Văn Công.

Anh Công kể, bố mẹ của anh làm nông ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Anh chào đời với đôi chân bị liệt, lớn lên trong sự trêu ghẹo của bạn bè. “Thằng què đến kìa”, câu nói ám ảnh từng khiến anh muốn nghỉ học.

Khoảng năm 2003 - 2004, anh vào TP.HCM học nghề điện tử. Sáng học ở trường nghề, chiều anh làm thêm ở cửa hàng đồ gỗ. Buổi tối, anh tham gia CLB hướng nghiệp. Từ đây, anh Công được thầy chủ nhiệm CLB hướng nghiệp giới thiệu vào CLB Thể thao người khuyết tật quận Tân Bình.

Thời điểm quen chị Tám, anh chưa có thành tích đáng kể, lương làm thêm chật vật. Thế nên, anh biết chuyện tình cảm sẽ gặp nhiều trắc trở.

Chung sức thoát nghèo

Sau gần 1 năm quen biết, trong một lần xuống nhà trọ thăm bạn gái, anh Công gặp 4 anh trai của chị Tám. Qua hôm sau, anh mất liên lạc với chị.

Chị Tám kể: “Lúc đó, 4 anh trai từ Nghệ An vào TP.HCM, bắt tôi phải về quê ngay trong đêm. Các anh còn buộc tôi vứt điện thoại ở phòng trọ, không được mang theo, cắt đứt liên lạc với anh Công”.

d-1706879960.png
Dù gia đình ngăn cản, chị Tám vẫn quyết cưới "ông chú" liệt hai chân.

Sáu tháng không gọi được cho chị Tám, anh Công đánh liều, tìm cách gửi thư về Nghệ An. Nhận được lá thư đầu tiên của anh, chị vội vã gọi điện thoại và cho biết địa chỉ ở quê.

Anh Công về Hà Tĩnh, rồi tự mình chạy xe máy ba bánh ra Nghệ An tìm người yêu. Anh đến nhà chị Tám đúng bữa cơm tối, có đầy đủ các thành viên, bao gồm cả dâu rể.

“Lúc đó, tôi đang ở trong nhà thì thấy một chiếc xe máy ba bánh dừng lại trước cổng nhà. Nhận ra anh Công, tim tôi đập thình thịch, cảm xúc thật khó tả. Tôi vừa vui vừa sợ bố mẹ, anh chị la mắng”, chị Tám nói.

Bố mẹ chị mời anh Công vào dùng cơm, đon đả chào đón như khách đến nhà. Sau bữa cơm, khi anh đặt vấn đề cưới hỏi, bố của chị Tám cau mày, nói chuyện có phần căng thẳng.

Để bảo vệ tình yêu, chị Tám lên tiếng: “Nếu bố mẹ không cho con lấy anh Công thì con không lấy chồng. Con ở vậy cũng được…”. Chị nói rõ, chấp nhận lấy anh Công thì có vất vả, thiệt thòi, chị không dám phiền đến bố mẹ và anh chị.

Sau cuộc nói chuyện căng thẳng, anh Công được mời ngủ lại qua đêm. Nắm bắt cơ hội, anh bày tỏ chân tình, mong được mọi người đón nhận.

Qua hôm sau, một số thành viên trong gia đình chị Tám trở nên thân thiết với anh hơn. Họ vui vẻ làm “đồng minh”, góp lời thuyết phục bố mẹ chị Tám. Được ông bà chấp nhận, anh Công mừng rơi nước mắt.

Năm 2008, anh chị kết hôn, sống trong căn phòng trọ chật chội ở TP.HCM. Thời điểm đó, chị mang thai, còn anh thi đấu ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sau giải đấu, anh gặp phải chấn thương, tạm thời nghỉ tập. Anh ở nhà chăm con, chị Tám đi làm, thay chồng lo kinh tế gia đình.

fd-1706880068.png
Vợ chồng anh Công thoát nghèo sau 15 năm chung sức.

Đến khi anh tập luyện trở lại, chị chấp nhận nghỉ việc. Đầu tuần, anh tập trung ở trung tâm huấn luyện, đến cuối tuần mới về thăm nhà. Chuyện nhỏ chuyện to trong nhà đều do chị quán xuyến.

Có hậu phương vững chắc, anh Công nỗ lực thi đấu mang vinh quang về cho đất nước và tiền thưởng về cho vợ con.

Nhờ khoản tiền thưởng tích góp, năm 2019, vợ chồng anh Công xây dựng được ngôi nhà khang trang, thoát cảnh ở trọ. Anh còn chung vốn, cùng thầy của mình mở cửa hàng sản xuất thiết bị âm thanh.

Sắp tới, anh có kế hoạch mở một phòng tập gym. Ngoài kinh doanh, anh mong người khuyết tật có nơi để tập luyện miễn phí.