co-gai-duoc-nguoi-yeu-cho-1-3-ty-mua-nhan-kim-cuong-se-phai-tra-gia-dat-1643082022.jpg
Nam bị bắt giữ khi đang bỏ trốn cùng chiếc xe mới mua

Liên quan đến vụ nổ súng cướp hơn 3 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đình Vũ, địa chỉ tại phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng, Cơ quan công an đã quyết định khởi tố bị can Trần Thị Thu Thuỷ (SN 2000, trú tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) để điều tra.

Thuỷ khai được bạn trai là Nguyễn Văn Nam (tên cướp Ngân hàng Vietcombank) cho hơn 1,3 tỷ đồng. Cô gái dùng tiền này mua 1 điện thoại iPhone 13 Pro Max với giá 30,9 triệu đồng, 1 Macbook Air với giá 20,5 triệu đồng, 1 sạc iPhone với giá 300 nghìn đồng.

Thuỷ còn mua 1 vòng đeo tay bằng vàng trắng, 1 nhẫn vàng trắng đính kim cương với giá 28 triệu đồng.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối với số tiền mà Thủy đã mua đồ, tại thời điểm nhận tiền và tiêu tiền, nếu cô gái không biết số tiền do phạm tội mà có thì hành vi này không vi phạm pháp luật, không phạm tội.

Trường hợp cô gái biết số tiền do phạm tội mà có, nhưng vẫn sử dụng, vẫn cất giữ thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

CQĐT sẽ làm rõ nhận thức chủ quan của Thủy đối với số tiền đó và nhận thức về việc đã sử dụng tiền cướp được từ ngân hàng để mua sắm các thiết bị điện tử, các tài sản cho bản thân.

Nếu kết quả điều tra cho thấy, cô gái biết rõ số tiền nhận từ bạn trai là tiền có được do Nam cướp ngân hàng nhưng vẫn chứa chấp, sử dụng thì với số tiền trên 1 tỷ đồng nhận từ tên cướp, cô gái sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 10- 15 năm, theo khoản 3, điều 323 BLHS năm 2015.

Sau khi sử dụng một phần số tiền để mua vàng, đồ trang sức, tư trang cá nhân thì số tiền còn lại hơn 1,2 tỷ đồng, Thủy gửi bạn cất giữ mà không khai báo với cơ quan chức năng.

Hành vi này gây khó khăn cho CQĐT trong việc phát hiện, xử lý tội phạm. Theo luật sư Đặng Văn Cường, đây là hành vi che giấu tội phạm. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 389 BLHS năm 2015.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Theo quy định của pháp luật, che giấu tội phạm là hành vi của một người không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, các dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội.

Thủy đã cất giấu số tiền hơn 1 tỷ đồng sau khi biết số tiền này được cướp từ ngân hàng, đây là vật chứng của vụ án, hành vi này gây khó khăn cho hoạt động điều tra.

Bởi vậy đây là hành vi che giấu tội phạm, nên cô gái sẽ phải chịu trách nhiệm pháp luật về hành vi che giấu tội phạm. Với tội danh này, Thủy có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.

Trả giá đắt

Như vậy, trong trường hợp bị kết án về hai tội danh nói trên, cô gái nhận tiền của bạn trai cướp ngân hàng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 22 năm tù.

Trường hợp cô gái này thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác theo quy định của pháp luật thì có thể phải chịu mức hình phạt thấp hơn so với mức cao nhất nêu trên.

“Vụ án này là bài học cho một bộ phận giới trẻ lười lao động, thích hưởng thụ, vì sở thích, nhu cầu cá nhân mà sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội.  

Chế tài mà kẻ cướp ngân hàng phải đối mặt có thể là tù chung thân về tội Cướp tài sản. Còn cô gái có thể đối mặt hơn 20 năm tù. Đó là cái giá quá đắt mà hai người này phải trả cho hành vi bồng bột và liều lĩnh của mình”, lời Tiến sĩ Đặng Văn Cường./.