1-175-1642987337.jpg
Bị can Tống Thị Tùng Linh.

Ngày 23/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Tống Thị Tùng Linh (21 tuổi, trú phường Phước Nguyên, thành phố Bà Rịa) để điều tra về hành vi giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Tống Thị Tùng Linh (sinh viên năm 3, ngành Luật tại một trường đại học trên địa bàn TPHCM), bị xác định là người đã mua chất độc xyanua để giết cha ruột là ông Tống Hồng Điệp (54 tuổi) gây xôn xao dư luận những ngày qua. Sau khi biết cha ruột tử vong, Linh đã kéo thi thể ông Điệp ra phía sau tường rào nhà mình rồi mua gạch, xi măng về đắp lên thi thể và xây gạch bịt kín nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình. Để dựng hiện trường giả, Linh dùng xăng đốt nhà mình rồi chạy qua nhà ông nội, đưa ra thông tin gian dối về việc có một nam thanh niên đột nhập vào nhà dùng tay nắm tóc kéo đầu Linh đập mạnh xuống nền nhà và thông báo cho Linh biết việc đã giết ông Điệp trả thù, sau đó đốt nhà.

Phân tích về hành vi của nghi phạm Tống Thị Tùng Linh, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, thật sự không thể nào tin nổi một cô sinh viên đang học tại một trường luật, còn trẻ lại can tâm sát hại chính cha đẻ mình rồi giấu xác, dựng hiện trường giả bằng cách đốt nhà. Điều này khiến ai cũng bức xúc, phẫn nộ. Bởi, truyền thống, văn hóa và đạo lý dù  phương Đông hay phương Tây thì hiếu thuận với cha mẹ là tiêu chí đánh giá đạo đức một con người. Đặc biệt, với truyền thống của người Việt Nam thì hiếu thảo với cha mẹ càng được đưa lên hàng đầu. Bất hiếu với cha mẹ sẽ bị người đời dè bỉu và xem đó là nghịch tử.

Theo luật sư Bình, bị can trong vụ án là người đã thành niên, sống trong môi trường xã hội có giáo dục. Tuy nhiên, sự hẹp hòi, ích kỷ, thiếu tu dưỡng đạo đức dẫn đến những suy nghĩ, hành động lệch lạc. Có ý kiến cho rằng, bị can là con nít, không hiểu lòng cha mẹ là một sự bênh vực mù quán. Bởi sự hiếu thảo, tình thương yêu đã được hình thành từ nhỏ thì huống gì với một cô gái đã 21 tuổi, thừa khả năng nhận thức.

b-0-1642987370.jpg
Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP. HCM).

Luật sư Bình cho rằng, hành vi của cô gái này xâm phạm đến những điều mà pháp luật hình sự bảo vệ đó là tính mạng con người và quyền sở hữu tài sản. Với hành vi như vậy, cô gái này sẽ phải đối mặt với 2 tội danh là tội Giết người theo khoản 1, điều 123 bộ luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hành vi thứ hai là hành vi hủy hoại tài sản hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 178 bộ luật hình sự năm 2015, với hình phạt có thể lên đến 20 năm tù.

Vị luật sư này cũng cho biết, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ mục đích diễn biến hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả đã gây ra đối với tính mạng của người cha và thiệt hại đến tài sản của gia đình làm cơ sở để xem xét trách nhiệm pháp lý của cô gái này theo quy định pháp luật.

“Cho dù bất cứ nguyên nhân gì, dù cho mâu thuẫn trong gia đình đến đâu thì hành vi giết cha ruột là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bị can sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, phạm tội với người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc” - luật sư Bình nói.

Luật sư Diệp Năng Bình nhận định, thời gian qua, chúng ta thấy xuất hiện nhiều vụ án gây rúng động dư luận. Dù báo chí đã phản ánh nhưng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Để giảm thiểu những vụ án đau lòng như trên thì chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó giải pháp cơ bản là tuyên truyền giáo dục. Cần phải đề cao giáo dục đạo đức, giáo dục ý thức tôn trọng người khác, tôn trọng tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của người khác./.