Carly Minsky- cô gái 33 tuổi đã ngừng ăn thịt và cá ở độ tuổi giữa 20 để khỏe mạnh hơn. Ban đầu, sức khỏe cô rất tốt. Nhưng sau một năm, Minsky cảm thấy mệt mỏi "tột độ". Và 6 năm sau, cô kiệt sức đến mức "gần như không thể đi được”.

Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Anh, người ăn chay trường và người không ăn trứng, sữa hay thịt trong hơn 5 năm như Minsky có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng từ khó di chuyển đến tê bì chân tay.

Theo Insider, vitamin B12 rất cần thiết cho sức khỏe vì nó giúp dây thần kinh và tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Sự thiếu hụt vitamin này thường có 2 nguyên nhân:

- Hội chứng kém hấp thu do mắc các tình trạng như bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten) và thiếu máu ác tính.

- Ăn không đủ thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa.

Triệu chứng khi thiếu vitamin B12

Ban đầu, Minsky nghĩ bản thân thường mệt mỏi là do các vấn đề liên quan tuyến giáp, tuyến có hình dạng như con bướm và gây ra mệt mỏi nếu nó không sản xuất đủ hormone.

Nhưng kết quả xét nghiệm máu vào năm 2020 cho thấy mức vitamin B12 của cô ở mức thấp đáng báo động và cô cần tiêm vitamin B12 ngay lập tức. Ngoài ra, theo bác sĩ gia đình của cô, cô cần bổ sung vitamin B12 hàng ngày trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Mặc dù Minsky đã tiêu thụ phô mai, trứng và sữa, cô vẫn không bổ sung đủ lượng B12 trong chế độ ăn uống của mình. "Đó là cú sốc lớn. Tôi không biết sức khỏe của mình bất ổn đến thế”, người phụ nữ 33 tuổi chia sẻ.

Brad Kamitaki, trợ lý giáo sư thần kinh học tại trường Y Rutgers Robert Wood Johnson, nói với Insider việc thiếu hụt vitamin B12 khó có thể chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ ràng.

Theo Johns Hopkins Medicine, một số triệu chứng khác nhau của việc thiếu vitamin B12 gồm ngứa ran ở cánh tay hoặc chân, khó đi lại, mệt mỏi, buồn nôn, nhịp tim nhanh và dễ cáu gắt.

Cách bổ sung vitamin B12 hàng ngày

Theo dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia, hầu hết người ở Mỹ đều ăn đủ chất dinh dưỡng.

Priya Tew, chuyên gia dinh dưỡng, người sáng lập Dietitian UK, cho biết hầu hết chúng ta không cần phải đếm hoặc theo dõi lượng vitamin B12 hàng ngày nếu chế độ ăn hàng ngày có sản phẩm từ động vật.

pexelsphoto10432706-1668267895372-1668267895489412261280202211152150231789610-1-1668570712.jpeg
Vitamin B12 có nhiều trong các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá, trứng, sữa. Không cần thiết để theo dõi lượng vitamin B12 nếu chế độ ăn hàng ngày của bạn có thực phẩm từ động vật. Ảnh: Pixels.

Viện Y tế Quốc gia khuyến cáo người trưởng thành nên tiêu thụ trung bình 2,4 mcg vitamin B12 mỗi ngày. Ví dụ, cốc sữa bò với 2% chất béo chứa một nửa lượng vitamin B12 hàng ngày, và 85 g cá hồi nấu chín hoặc thịt bò áp chảo chứa đủ hàm lượng chất này cho một ngày.

Ngoài ra, người đang mang thai cần 2,6 mcg vitamin B12 hoặc người cho con bú 2,8 mcg vitamin B12 hàng ngày. Người không ăn các sản phẩm từ động vật có thể nhận được chất này từ sữa thực vật, ngũ cốc ăn sáng, men dinh dưỡng và bơ thực vật.

Hiệp hội Dinh dưỡng Anh khuyến cáo người ăn chay trường và ăn nửa chay (không ăn thịt, cá nhưng có thể ăn trứng, sữa hay phô mai) nên kiểm tra tình trạng vitamin B12 và bổ sung khoảng 10 mcg chất này mỗi ngày theo yêu cầu.

Thực tế, trong vòng 2 tháng sau khi tiêm vitamin B12, cô Minsky cảm thấy khỏe hơn. "Tôi cảm thấy năng lượng của mình được hồi phục trở lại”, cô nói. Cô vẫn tiếp tục uống viên vitamin B12 mỗi ngày./.