Không chỉ hoại tử dọc vùng sống mũi, trán bệnh nhân cũng có những vùng da bị tình trạng tương tự. Theo lời bệnh nhân, do mong muốn có được mũi đẹp, đầy nên đã đi tiêm filler tại 1 cơ sở Spa. Nhưng đẹp đâu chưa thấy, nữ bệnh nhân buộc phải vào viện cầu cứu vì đau nhức, mưng mủ, thâm đen vùng mũi, trán.
Tiêm filler đang là trào lưu làm đẹp được nhiều chị em lựa chọn. TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tiêm filler là kỹ thuật ít xâm lấn. Tuy nhiên, cũng không ít hệ lụy từ việc không đảm bảo kỹ thuật và chất lượng filler.
Trước đó, BV Việt Đức cũng từng tiếp nhận trường hợp cô gái 20 tuổi ở Bắc Ninh vào trong tình trạng hoảng loạn, đau đớn, da mũi và mi mắt trái nhợt, lạnh, kèm các chấm tím đen nhỏ; mắt trái không còn nhìn thấy gì ngoài phân biệt sáng tối, sụp mi mắt trái toàn bộ, các cơ vận động nhãn cầu tê liệt hoàn toàn.
Người nhà cho biết trước khi nhập viện cô được bạn thân là nhân viên spa tiêm filler (chất làm đầy) không rõ nguồn gốc để nâng mũi. Ngay trong lúc tiêm, cô thấy choáng váng, đau đầu, mờ mắt trái, toàn thân nóng ran rồi chuyển rét run.
Thấy vậy, bạn cô liên lạc với một spa khác để được... hướng dẫn tiêm thuốc giải. Tiêm thuốc giải không thấy hiệu quả, cô được chuyển tới 2 bệnh viện trước khi đến Bệnh viện Việt Đức.
Do đến Bệnh viện Việt Đức khi đã qua "thời gian vàng" để xử lý, các bác sĩ đã phải cấp cứu đa chuyên khoa, hồi sức tích cực, giảm áp lực nội sọ, oxy liều cao, thuốc giãn mạch, thuốc giải filler hậu nhãn cầu...
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ hầu như tuần nào bệnh viện cũng gặp các tai biến liên quan đến tiêm filler, các tai biến có thể gặp ở khắp các vùng cơ thể bệnh nhân, đặc biệt là mắt, môi, má, mông... Nặng nhất là biến chứng mù mắt sau tiêm như trường hợp cô gái trên.
Tuy nhiên TS. BS Việt Dung cũng cảnh báo, ngoài các ca mù mắt, tắc mạch gây nhồi máu não, nhiễm trùng huyết… mà chị em đã từng gặp hoặc nghe trên đài báo, còn rất nhiều các trường hợp diễn biến muộn, âm ỉ mà ít người để ý.
Làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng là một nhu cầu hết sức chính đáng của các chị em để cải thiện ngoại hình của mình. Tuy nhiên, để an toàn khi tiêm filler, TS Dung lưu ý, trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, chị em cần tìm hiểu kĩ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, có cần thiết với mình hay không?.
“Chị em cần tìm hiểu can thiệp đó có lợi ích cũng như có thể có những biến chứng gì? Và quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế). Chị em nên tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất tật mang”, TS. BS Việt Dung nhấn mạnh.
Đặc biệt đối với các cơ sở được cấp phép tiêm filler không thể là các spa, chăm sóc da hay các cơ sở cắt tóc gội đầu…mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Để thực hiện kỹ thuật này, các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là Phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách. Với những bệnh nhân mới tiêm filler có những biểu hiện của các biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm cần đến ngay cơ sở y tế để được xử lí cấp cứu kịp thời.
“Nhiều trường hợp biểu hiện các biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục…liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc chất liệu làm đầy không đảm bảo, không được cấp phép, lan tỏa trong mô mềm vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn này thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ”, TS. BS Dung thông tin.
Với những bệnh nhân đã tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng thì cũng nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu.
“Thông thường, bệnh nhân cần khám, siêu âm, đôi khi cần chụp cộng hưởng từ… để đánh giá tính chất của tổ chức tiêm vào mô, mức độ thâm nhiễm của các chất này đối với các tổ chức xung quanh. Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên lấy bỏ chất làm đầy này hay không, tiên lượng có lấy bỏ được hết hay không và đánh giá xem cần làm gì để tái tạo lại các mô tổ chức bị viêm, thâm nhiễm. Vì vậy, để đẹp một cách an toàn, trước khi quyết định các chị em nên cân nhắc và tìm hiểu thật cẩn trọng”, TS. BS Việt Dung khuyến cáo./.