Theo dự thảo, mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên cho thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay: thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5; khu vực 2 là 0,25. Tuy nhiên, đối với thí sinh thi tự do (đã tốt nghiệp THPT) trước đó, khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển Đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên.
Nhận được thông tin đó, bạn Nguyễn Lan Anh sinh năm 2003 (sống tại huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: "Trong giai đoạn gần thi nghe tin này em có chút nản và thất vọng. Điều này đối với các bạn thí sinh tự do như em cảm thấy hơi thiệt thòi. Có rất đông học sinh vì vậy tỉ lệ chọi nhiều mà còn ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bản thân em là 1 người bị mắc covid-19 gần thi nên rất thấu hiểu được nó ảnh hưởng như thế nào khi thi. Em mong BGD sẽ xem xét ý kiến này."
Đối với Lan Anh, mặc dù điểm cộng không nhiều nhưng phần nào có thể khích lệ tinh thần. Với mong muốn thi lại vào Đại học Quốc gia Hà Nội vì cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành học hiện tại, Lan Anh còn mắc Covid-19 trước thi hai tháng nên điều đó làm bạn rất khó khăn trong việc ôn tập.
"Mặc dù mình không ở khu vực ưu nhưng nếu bỏ điểm cộng cho thí sinh tự do thuộc diện đó mình thấy thiệt thòi thật. Việc lệch 0,25 điểm cũng có thể từ trúng thành trượt. Họ còn bị áp lực từ việc thi lại, áp lực từ gia đình giờ còn đến điểm cộng." - thí sinh Lê Đình Nghi chia sẻ.
Tuy nhiên, Đình Nghi cũng đưa ra rằng sự việc nào cũng nên nhìn về nhiều mặt của nó. Mặc dù thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên khu vực nhưng họ lại không bị vướng bận về thời gian trên trường cũng như học tập. Rất nhiều thứ phải lo còn thí sinh tự do hầu như đã biết bản thân phải làm gì thời gian này. Đây là một điểm lợi. Hiện tại, quy định đang gây ra nhiều luồng ý kiến, đặc biệt là ở các học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Nếu giải thích rằng thí sinh tự do có nhiều lời gian ôn tập hơn tôi thấy thật ấu trĩ, không ai ưu tiên như thế cả. Những thí sinh tự do trong hoàn cảnh khó khăn có khi còn ít thời gian học tập hơn. Việc công bằng phải được cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do vì họ xuất phát từ những thành phần xã hội khác nhau, vùng miền, hoàn cảnh khác nhau. Do đó, nên bỏ ngay quy định này vì không hợp lý".
Việc có nên cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do hay không nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, việc đưa ra chính sách mới hay cộng điểm cần thay đổi theo mức độ thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền cần phải có khảo sát ý kiến, nghiên cứu, bàn luận và đánh giá kỹ càng.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh. Bà Thủy cho rằng, các thí sinh đã tốt nghiệp năm trước thì có lợi thế về cơ hội học tập, ôn luyện, thời gian nhiều hơn hẳn so với các em dự thi tốt nghiệp lần đầu.
Nhiều trường hợp các em có điều kiện chuyển đến các địa phương, các thành phố để học tập, tập trung ôn thi, mà chỉ ôn thi 1 số ít môn. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị chuẩn bị tốt nghiệp năm nay dùng điểm đó để xét tuyển vào đại học, đang học rất nhiều môn và chịu áp lực rất lớn để vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
"Để đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển ĐH,CĐ, với các thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp, Dự thảo quy chế đưa ra quy định theo hướng thí sinh ở các vùng hưởng chế độ ưu tiên khu vực, chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực 1 lần ngay năm đầu tiên tốt nghiệp THPT. Như vậy là công bằng cho tất cả các thí sinh" - bà Thủy nhấn mạnh./.