Tấm hình được in trong kỷ yếu của Tạp chí Cộng sản. Lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban xây dựng Đảng. Tôi xin kể thêm một số điều quanh tấm hình này.
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp thì về công tác ở Tạp chí Cộng Sản. Những năm đầu (1955-1976), Tạp chí Cộng sản có tên là Tạp chí Học Tập. Sau này, Nhà báo Nguyễn Phú Trọng rất tâm đắc với tên gọi ấy, ông nói: “Là người cộng sản thì suốt đời phải học tập”.
Theo một nhà báo từng tham gia Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản thì: “Nhà báo Nguyễn Phú Trọng tham gia nhiều vị trí của báo, từ công việc một phóng viên, thành trưởng ban, rồi thành Uỷ viên Ban biên tập, Tổng biên tập…
Nhà báo Nguyễn Phú Trọng có tố chất của một người làm lãnh đạo. Đặc biệt là ông rất coi trọng công tác nghiên cứu và học tập lý luận, coi trọng công tác bồi dưỡng cán bộ trẻ. Ông sống gương mẫu, có tư duy sắc bén, nghiêm túc, cách làm việc dứt khoát, hiệu quả. Nhưng dù công việc có áp lực đến đâu, ông cũng hòa nhã, không nóng nảy bao giờ”.
Anh em trong cơ quan nhớ lại: “Bác Trọng tính tình giản dị, hoà đồng, trong cơ quan ai cũng quý mến”.
Sau thời gian công tác, Nhà báo Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
“Lùi về thời gian trước khi ông làm báo, giai đoạn đất nước còn khó khăn, ông học trường Nguyễn Ái Quốc rồi chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Ông và một số anh em trong đoàn (sau này là những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước) phải đạp xe đạp vào Khoa báo chí Trung ương mượn máy ảnh. Trường có ba loại máy ảnh thì chỉ mượn được cái máy ảnh xoàng nhất để chụp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững của Học viện Báo chí Tuyên truyền kể lại.
Một nhà báo, nguyên là Tổng Biên tập báo Nhà báo và Công luận, bạn cùng lớp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có lần kể với tôi: “Thời là sinh viên khoa văn, cậu Nguyễn Phú Trọng cực kỳ mê đọc sách. Ai đi chơi cũng mặc, anh cứ nằm trên giường tầng ký túc xá đọc mê mệt những cuốn sách dày cộp”.
Nhiều người cũng kể lại rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quý trọng tình nghĩa với trường cũ, với thầy cô và bạn bè đồng môn. Mỗi khi gặp gỡ, họp mặt hay đến thăm các thầy cô, ông đều nói: “Xin bỏ hết chức tước địa vị qua một bên, hôm nay tôi chỉ là một học trò cũ mà thôi”.
Còn nhớ khi Giáo sư Văn học Hoàng Như Mai mất, ông đã gửi vòng hoa đến viếng và kính cẩn ghi dòng tên của mình là “Học trò Nguyễn Phú Trọng” chứ không có một chức danh nào bên cạnh.
Tôi có nhiều bạn bè sau này công tác chung cùng tạp chí Cộng sản với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ đều nhớ và rất thích tác phong làm việc của Nhà báo Nguyễn Phú Trọng, vì “ông làm việc chắc chắn, vững vàng, lên kế hoạch đề cương sắc bén, biên tập bài vở kỹ càng”.
Còn cô bạn học hồi nhỏ của tôi ở trường Nội trú số 1 những năm 1965-1970 nhớ lại: “Lớp mình có mấy phụ huynh công tác với chú Trọng ở Tạp chí Cộng sản. Từ bé tôi vẫn gọi chú Trọng vì là đồng nghiệp với bố tôi. Nhà tôi lại gần cơ quan nên hay sang chơi xem chú đánh bóng bàn”.
Chiều 19/7/2024 khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tôi cảm giác thật buồn. Ông là một lãnh đạo Đảng có tâm có tầm, sống rất đạo đức, liêm khiết, ông có đời sống mẫu mực. Gia đình ông rất giản dị không dựa vào quyền thế của ông.
Ngay buổi chiều nghe tin ông từ trần, tôi đã vẽ chân dung ông trong những cảm nhận sâu sắc về vai trò của ông với đất nước, và với một sự trân trọng về việc ông đã từng là một nhà báo.
"Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024)